TỰ PHÁT
Ý tưởng dựng tượng đài Hùng Vương của tỉnh Phú Thọ từng làm nóng dư luận, thu hút nhiều ý kiến bàn thảo về mẫu mã dự thi, vị trí địa điểm xây dựng. Chính phủ đồng ý về chủ trương dựng tượng đài Hùng Vương ở miền đất Tổ, đồng thời giao Bộ VHTTDL thực hiện Quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035. Hội thảo lấy ý kiến các nhà quản lý, chuyên gia khu vực phía Bắc sáng 8/5 tập trung bàn thảo yếu tố liên quan “nhiệm vụ, mục tiêu, tiêu chí quy hoạch tượng”. Thứ trưởng Vương Duy Biên đặt vấn đề, ngoài Phú Thọ nhiều địa phương thậm chí nơi hải đảo xa xôi mong muốn dựng tượng đài, vậy nên có bao nhiêu là đủ, lựa chọn vị trí và không gian ra sao cho phù hợp.
Đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nêu thực trạng: Đa số tượng vua Hùng được dựng ở đền thờ. Với không gian công cộng ngoài trời dựng tượng Hùng Vương có ở Công viên văn hoá Đồng Xanh (Gia Lai), Khu Du lịch văn hoá Suối Tiên (TPHCM) và một vài tượng Hùng Vương khác quy mô nhỏ.
Tượng Hùng Vương ở Công viên văn hoá Đồng Xanh nằm trong đền thờ, làm bằng gỗ mít nguyên khối nặng hơn 6 tấn sơn thếp vàng bên ngoài. Phía trước sân thờ là 18 vị vua Hùng mỗi tượng cao hơn 3m chưa kể bệ. Tượng vua Hùng ở Suối Tiên hoàn thành năm 2002 nhưng diễn tả theo lối phạt mảng, tạo khối cách điệu. Đến nay chưa có công trình tượng Hùng Vương nào tương xứng tầm tượng đài ở Việt Nam.
“Tượng vua Hùng được xây dựng ngoài trời hiện nằm trong các khu vui chơi, thắng cảnh, du lịch nhằm mục đích trang trí cảnh quan nên không mang tính biểu tượng và sáng tạo nghệ thuật. Do chưa có quy hoạch tổng thể về không gian, kiến trúc tạo thành điểm nhấn văn hoá, chưa có sự phối hợp quy hoạch đồng bộ về cảnh quan, không gian bài trí, ánh sáng”, đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nói. Số tượng Hùng Vương hiện nay chưa thể hiện được vai trò về không gian tổng thể, phong cách tạo hình, vì vậy cần quy hoạch để đảm bảo thống nhất quản lý và kiểm soát số lượng.
TRÁNH TRÀN LAN
Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng Chính phủ giao Bộ VHTTDL xây dựng Quy hoạch nên đó là nhiệm vụ đương nhiên, không cần bàn cãi. Quy hoạch ở đây không phải thuộc dạng quy hoạch xây dựng công trình, mà mang tính chất xác định nhiệm vụ chính trị. Mục tiêu lớn nhất chính là kiểm soát số lượng, chất lượng các công trình tượng đài tới năm 2035, xác định vị trí địa điểm dựng tượng đài. Dự kiến ngoài Phú Thọ, một số địa phương có vị trí địa lí đặc biệt và tiêu biểu, thể hiện ý chí đại đoàn kết toàn dân tộc, có dấu ấn lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước bảo vệ chủ quyền quốc gia có thể được đề xuất dựng tượng đài.
Nhà sử học Dương Trung Quốc vừa có chuyến khảo sát về thực hành lễ giỗ tổ Hùng Vương ở vài nước châu Âu, nhận thấy nhu cầu rất lớn của người dân về hình tượng hoá Hùng Vương. Tuy nhiên ông nêu quan điểm nên hạn chế tượng đài, bởi giá trị lớn nhất chính là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Ông cho rằng tượng đài là ngôn ngữ phương Tây, vậy hãy phát huy truyền thống Việt Nam là thờ cúng - chọn nơi kín đáo trong nhà, trang trọng và nhất là cấm kị làm tượng bán thân như thủ cấp. Băn khoăn của ông xuất phát từ quan điểm của các nhà sử học, bởi tới nay chúng ta thiếu rất nhiều tư liệu về thời đại Hùng Vương. Thực tế nếu xác định Hùng Vương như biểu tượng cội nguồn và dựng nước dễ nhận được sự đồng thuận cao, nhưng khi nhân cách hoá, cá thể hoá bằng nghệ thuật tượng đài cần cẩn trọng.
Cho rằng dựng tượng đài ở Phú Thọ không cần bàn cãi, ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ nói thêm, nên xác định rõ tiêu chí về địa phương có vị trí đặc biệt, gắn với Hùng Vương để lựa chọn. PGS.TS Phạm Mai Hùng nói, nếu không xác định rõ tiêu chí này dễ dẫn đến các địa phương “mất đoàn kết”: Ngoài đất Tổ nên cân nhắc một vài vị trí có đóng góp mang tính đại diện vùng miền. Hơn 1 nghìn di tích gắn với tục thờ cúng Hùng Vương nhưng số lượng tượng đài không thể tràn lan.
Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường nghiêng về giải pháp chỉ duy nhất tượng đài ở Phú Thọ, người dân muốn chiêm bái nên hành hương về đất Tổ. Ông Vi Kiến Thành khẳng định mục tiêu quan trọng của Quy hoạch này là hạn chế số lượng “làm sao để không quá 6 tượng đài, trường hợp xấu nhất chỉ một công trình”. PGS.TS. KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu quan điểm hạn chế xây dựng tượng đài ngoài trời, nên khuyến khích xây dựng công trình thờ cúng Hùng Vương ở nhiều nơi khác nhau.