Lượt dislike hiện tại của Pickleball chiếm đến 77% trong tổng số like/dislike trên YouTube. Từ lâu, nhạc Việt mới có ca khúc gây phẫn nộ nhiều như vậy. Trong hơn 2.000 lượt bình luận, đa số là lời chỉ trích. Hình ảnh, âm nhạc của sản phẩm này đang "viral" rộng rãi trên mạng xã hội theo hướng tiêu cực.
Đỗ Phú Quí trong sản phẩm Pickleball. |
Trêu đùa khán giả?
Đỗ Phú Quí hợp tác với một ê-kíp, gồm Tuno (sáng tác), Hoàng Danh Hướng (phối khí), để ra mắt ca khúc này. Người sáng tác lấy cảm hứng từ Pickleball - môn thể thao đang phát triển cực nhanh ở Việt Nam - để phát thảo câu chuyện tình yêu trên sân bóng.
Ca khúc bị chỉ trích nhiều nhất vì phần ca từ sáo rỗng, kiểu như phần verse: "Chơi bao nhiêu nhưng em nhắc anh / Em không dễ dàng / Không nên tia em, tia trái banh / Thua game, rời em / Không được lơ là đưa chân quá gần / Hãy kiềm chế nào / Thua mà 5 lần, em sẽ nằm trên anh".
Cũng là nội dung thả thính, tác giả khai thác chủ đề táo bạo, có thể đánh vào từ khóa "Pickleball" đang hot. Song, các phân đoạn thiếu tính liên kết, câu chữ hời hợt biến ca khúc thành thảm họa. Phần ca từ khó hiểu, kết hợp giai điệu và bản phối nửa vời, khiến một khán giả đặt câu hỏi: "Không hiểu đang nghe cái gì, nhạc cứ treo lơ lửng, ngang tai".
Sang đến điệp khúc, phần ca từ của Pickleball vẫn khó hiểu: "Anh hẹn em Pickleball / Ta vờn nhau Pickleball / Tay vợt bên dưới hông / Anh đập banh, đập banh / Đến em mạnh vào".
Không chỉ âm nhạc, Đỗ Phú Quí bị dislike vì hình ảnh trong phiên bản phát hành trên YouTube. Giọng ca này sản xuất Visualizer MV, một phiên bản gọn nhẹ, tiết kiệm hơn so với Music Video. Toàn bộ hình ảnh ở sản phẩm này chỉ có khoe ngoại hình, hình thể của Đỗ Phú Quí. Dù vậy, một số cảnh quay, đặc biệt là khoảnh khắc Đỗ Phú Quí mặc áo crop top, tạo dáng, bị cộng đồng mạng chế giễu.
"Giọng hát không đến nỗi tệ, bản phối khí ca khúc cũng khá hiện đại. Nhưng phần ca từ và hình ảnh đã bóp nghẹt sản phẩm của bạn", một khán giả bình luận. Một khán giả khác buông lời khó nghe: "Đây là năm 2024, tại sao vẫn còn tồn tại những ca khúc sáo rỗng như thế này?".
Những giọng hát gắn mác "thảm họa" như Phí Phương Anh khó trụ vững ở thị trường. |
Tự bắn vào chân
Đỗ Phú Quí (sinh năm 1993) được biết đến nhiều trong giai đoạn gần đây vì tham gia Anh trai say hi. Giọng ca này sớm dừng bước ở game show, nhưng danh xưng "Anh trai" là bước đệm tốt để Đỗ Phú Quí bứt lên để ghi dấu ấn, sau nhiều năm sự nghiệp không khởi sắc.
Chỉ một sản phẩm Pickleball nhưng đang để lại hậu quả tai hại cho Đỗ Phú Quí. Từ khá lâu, thị trường nhạc Việt không có sản phẩm bị gắn mác thảm họa. Ca khúc Pickleball như "miếng mồi ngon" cho cộng đồng mạng. Khán giả thay nhau ném đá khi xuất hiện thứ gọi là dị biệt và với xu hướng hiện tại, sự chỉ trích lây lan cực nhanh.
Có khán giả đặt câu hỏi: "Tại sao nghệ sĩ lại hời hợt và ngây thơ đến thế để ra mắt ca khúc này. Có phải để câu kéo chú ý?".
Cũng có thể Pickleball là quân bài mang tính kích nổ truyền thông của Đỗ Phú Quí và ê-kíp. Song, nếu điều đó xảy ra, sẽ là rủi ro lớn cho nghệ sĩ khi thu hút dư luận bằng sản phẩm tiêu cực, trong thời điểm này. Trước Đỗ Phú Quí, một trong những giọng ca bị gắn mác thảm họa là Phí Phương Anh.
Phí Phương Anh thời điểm lấn sân từ vai trò "chân dài" sang người cầm micro hát cũng tung ra sản phẩm Cắm sừng, khiến cô thành tâm điểm chỉ trích. Vụ bê bối giúp Phí Phương Anh lấy về sự chú ý ngay lập tức. Về sau, Phí Phương Anh bắt đầu định hình trở lại bằng những sản phẩm nghiêm túc.
Thế nhưng, cái danh "thảm họa nhạc Việt" vẫn đeo bám Phí Phương Anh suốt quãng đường về sau. Hiện tại, giọng ca này cũng mất hút khỏi thị trường.
Những năm qua, thị trường nhạc Việt ngày càng chuyên nghiệp. Thị hiếu nghe nhạc của khán giả được nâng cấp, kéo theo đòi hỏi cho những sản phẩm âm nhạc ngày càng nâng lên. Các khán giả giờ không chỉ chú ý về giọng hát, mà còn "soi" về nội dung, ca từ, thậm chí là màu sắc âm nhạc.
Những ca khúc có ca từ sáo rỗng hoặc nhạy cảm bị khán giả lên án ngay lập tức. Sự tiêu cực nhắm vào Đỗ Phú Quí một lần nữa cảnh báo những sản phẩm kém chất lượng của ca sĩ Việt.