Gang of Five (gồm 5 họa sĩ Hồng Việt Dũng, Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Phạm Quang Vinh và Trần Lương) có bàn nhau vẽ gì cho triển lãm này?
Bọn tôi khích lệ nhau cố gắng làm cái gì mới. Cuối cùng có Hà Trí Hiếu là làm gần như khác hẳn. Bỏ hòa sắc cũ, cho rất nhiều vôi tường với cát lên tranh. Ngay đề tài cũng mới, động đến môi trường, động đến cái gì đấy của phát triển. Riêng điều đấy là đáng khích lệ rồi. Hồng Việt Dũng rõ ràng lần này thoát ra khỏi câu chuyện. Trước có lũy tre, có cô gái, có ông sư, có lá sen, có cái thuyền đơn côi… thì lần này khác hẳn. Hòa nhìn chung hình thay đổi không thấy nhiều nhưng về quan niệm đồ vật cũng đã thay đổi. Trước đồ vật đa số là cổ truyền, dân gian, giờ đem cả đời sống đương đại vào. Còn Vinh tranh cũ hoàn toàn vì bận làm quản lý. Bọn tôi cũng cố thúc để Vinh trở lại sáng tác.
Riêng anh tưởng rẽ hẳn sang con đường trình diễn sắp đặt, giờ lại treo tranh?
Sau quá trình mở cửa, chuyển sang kinh tế thị trường, nghệ sĩ hào hứng, bán được tranh rồi đi nước ngoài, đời sống tăng vọt. Trong các ngành nghệ thuật, hội họa đi đầu, ra thẳng quốc tế. Đến năm 1995, tôi bắt đầu nhận ra kinh tế thị trường không chỉ là vitamin. Chính bọn tôi là thế hệ được hưởng vitamin ấy đầu tiên. Nhưng bên cạnh đó lại nhìn thấy “chất độc” của việc mình chỉ được chuẩn bị chạy 100m thôi, đến khi chạy marathon, nó lòi hết đuôi ra. Năm 1997, lần đầu tiên một số tờ báo mỹ thuật hàng đầu ở Đông Nam Á và Đông Á bắt đầu phàn nàn về việc tranh giả, tranh chép. Dĩ nhiên họa sĩ có quyền vẽ theo serie nhưng ở đây chỉ là chỉnh màu sắc một tí, dịch cô gái, dịch cành sen, dịch ông sư sang phải sang trái một tí chẳng hạn, thì cái đấy là có.
Thế nên, tranh Việt Nam không thể tăng giá được. Người ta thấy đẹp muốn mua nhưng người ta bảo khả năng lại có bản nữa nên tốt nhất là chỉ trả giá đấy thôi. Vì nhiều người trong chúng ta không đủ tư cách như một nền nghệ thuật có tư cách. Cái đấy có cả hệ lụy lịch sử: Từ chuyện bảo tàng chép tranh để cất đi tránh bom, chép tranh để tặng chính khách nước ngoài trong các chuyến thăm ngoại giao… Không có khái niệm về sở hữu trí tuệ cộng với sự thích thú với cuộc sống vật chất khiến các nghệ sĩ không ngại tái sản xuất chính mình.
Năm 1997, tôi tuyên bố dừng vẽ 10 năm như một trình diễn ý tưởng để phản ứng sự xuống cấp của mỹ thuật. Mười năm sau tôi vẽ lại nhưng mở rộng khu vực thực hành, không chuyên biệt vào cái gì đâm ra số lượng tranh ít đi. Lần này tôi vẽ để thể hiện tôi không bao giờ mất đi cảm quan vẽ cả, không mất đi sự thích thú, và vẫn tiếp tục cách mạng hình thức tác phẩm của mình.
Trần Lương khẳng định có thể biến trường quay 4 Thụy Khuê thành bảo tàng và trung tâm văn hóa. Ảnh: N.M.Hà.
Tệ nạn tranh giả giờ còn hoành hành trắng trợn hơn, anh không có động thái gì phản đối tiếp sao?
Cái này ở mức độ toàn cầu trong cả ngàn năm chứ không phải chỉ bây giờ. Nói thế để thấy vấn đề tranh giả ở Việt Nam buồn thì buồn thật nhưng không phải dị biệt, bất thường. Phải nhìn nó như hội chứng hậu chiến, giống như tiền bị mất giá. Thế giới nói chung, thường 30 năm sau các sự kiện vật đổi sao dời thì xã hội có thể trở về bình thường. Việt Nam do cơ chế, vẫn chưa tạo dựng được hạ tầng cơ sở theo tốc độ bình thường - trong đó bao gồm hiểu biết về sở hữu trí tuệ.
Đầu những năm 1990, nhiều người hồ hởi tưởng mở cửa là mình thành “anh cả đỏ” trong khu vực. Rồi chỉ 5-7 năm sau, các hệ lụy lộ ra, chính những người đó bị sốc vì tự tôn mình quá. Hệ quả đến tận hôm nay. Khi trên Facebook các nghệ sĩ trẻ chỉ nói đến bán tranh. Niềm hào hứng vui vẻ đấy đáng lẽ có từ năm 1995-1997 và bây giờ lo cái khác rồi, như tôi muốn vào bảo tàng lớn, muốn được dự Biennale... Một điều đáng buồn nữa là một số nghệ sĩ “công huân” nổi tiếng của Việt Nam giờ khoe hút tẩu, khoe du lịch những đâu và khoe xe mới mua chứ không thấy bàn học thuật, không thấy bàn tương lai mỹ thuật, tranh đương đại khác hiện đại thế nào, không thấy chìa tay ra đào tạo lớp trẻ. Rất ít người tham gia phát triển cộng đồng…
Các anh được gì khi tập hợp dưới cái tên Gang of Five?
Lập nhóm chỉ vì hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ đại đa số là bỏ nghề. Giới mỹ thuật rất nhiều người bỏ đi Đông Âu, theo diện xuất khẩu lao động. Vì nghệ thuật không sống được. Tỷ lệ những người còn cầm bút vẽ chỉ chiếm chưa đến 5%. Còn lại đại đa số mỗi năm vẽ 1 tranh để tham gia triển lãm toàn quốc.
Bọn tôi lúc đầu là nhóm những người ở Hà Nội còn vẽ tụ lại. Khoảng 12 người lẫn lộn mấy khóa, sàn sàn tuổi nhau, biết nhau từ khi còn luyện thi. Lập luật hàng tháng bày tranh, ngồi bình với nhau, tháng tới hạ xuống treo tranh mới. Ý là tạo áp lực phải vẽ hàng ngày. Nhưng chỉ trong ba tháng, số lượng sụt xuống chỉ còn có 5. Và vĩnh viễn chỉ có đúng 5 ông. Sự tụ tập đơn giản chỉ để nuôi dưỡng ngọn lửa yêu nghệ thuật. Ngày thì năm ông làm 5 nơi, tối vẽ. Về sau nó thành nhịp thì thấy quá phê. Hàng tháng treo tranh, người đến xem chỉ lơ thơ vài bạn thân nhất (những ông từng vào nhóm rồi bỏ), người yêu, bố mẹ, gia đình. Kéo dài 7 năm trong bóng tối như thế.
Đầu những năm 90 bắt đầu có tín hiệu của mở cửa, cũng là lúc Gang of Five ra mắt với triển lãm số một kỷ niệm 200 năm ngày Van Gogh mất. Gallery số 7 Hàng Khay bé tí mỗi ông treo được 3-4 tranh nhưng lúc đấy sung sướng kinh khủng, lần đầu tiên bày ở chỗ công cộng. Lúc đấy mới biết nhóm sau 7 năm hoạt động âm thầm hóa ra có vai trò xã hội. Việc bọn tôi cứ âm thầm vẽ hóa ra ngấm ngầm tác động đến kể cả những đồng nghiệp già hơn lẫn trẻ hơn. Tôi nhớ ngày khai mạc Lê Đạt, Trần Dần, Phan Vũ, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh… có mặt hết. Tự nhiên tạo một cộng đồng nghệ thuật chơi với nhau quanh Gang of Five.
Nguyễn Huy Thiệp mở quán Bằng Lăng treo toàn tranh của Gang of Five. Ông Bổng Nháy (nhà sưu tập Phạm Văn Bổng- PV) đến nhà in móc trong sọt rác những minh họa báo Văn Nghệ của bọn tôi về là phẳng đi cho vào khung mỗi thằng một quyển. Tự nhiên một ngày ông bảo: “Đến nhà chú chú có chai cognac cực ngon”. Đến, cả bọn sốc không ngờ mình vẽ đẹp thế...
Gang of Five đi đầu trong giới văn học nghệ thuật có cuộc sống tự do tự tại không phụ thuộc đoàn thể cơ quan. Vai trò của các hội đoàn giảm xuống khi những triển lãm lớn của Việt Nam ở nước ngoài lại do tư nhân phối hợp nước ngoài tổ chức, mà không đi qua các hội đoàn. Đúng là cơ chế vận chuyển thật sự.
Đến lúc này Gang of Five đã hoàn tất vai trò của mình?
Chắc chắn là hoàn tất rồi. Nếu có vai trò nữa thì nên chìa tay ra ủng hộ xã hội như là dạy, tham gia các dự án phát triển. Và việc nhắc lại lịch sử nhóm cũng là một bài học cho thế hệ trẻ. Nếu xem những tranh cũ của bọn tôi sẽ thấy vải bố, túi đường… thành toan hết. May ra sau này có thể làm một “show” thuần túy các tác phẩm cũ. Cần không gian rộng hơn và một cơ chế tiền tài trợ nhiều hơn để mượn ở các bộ sưu tập lớn, các bảo tàng ở châu Á. Lúc đấy sẽ lật được lịch sử tốt hơn.
“Cứu” Hãng Phim truyện kiểu Gang of Five
Lạc bước tân kỳ bản chất là dự án xã hội, đào tạo, đánh thức không gian này đương lúc người ta phá quá nhiều di sản. Chính công ty cổ phần điện ảnh này đương định phá trường quay này xây một cao ốc. Và chúng tôi muốn nó phải mở cửa để cho người ta nhìn thấy đây là di sản, là ký ức cộng đồng. Đây đáng ra hoặc sẽ phải trở thành bảo tàng của ngành điện ảnh, là giáo cụ trực quan dạy bao nhiêu thứ về lịch sử cách mạng, lịch sử thuộc địa cho đến lịch sử Đổi mới. Cả cụm này vị trí tốt, trung tâm, không khí văn hóa, thì nhăm nhe định phá nó đi. Chúng ta đã mất rất nhiều thứ rồi, không thể chờ được nữa. Ở Bắc Kinh, họ giữ nhà máy quân khí cụ 798 do Đông Đức tài trợ. Khi người ta vào đấy xem tranh, xem thời trang, ăn uống… được học cả cái lịch sử vừa đau xót vừa hoành tráng của Bắc Kinh. Nếu họ chỉ quá tay một tí cào bằng nó đi thì lại thành một khu cao ốc. Nhưng may mắn những nghệ sĩ đã dấy lên được tiếng nói, mình cũng phải học bài học ấy ở đây, “nấp” dưới một triển lãm như thế này.
Chúng tôi có phương án chuyển được ngay trường quay này thành một khu phức hợp pha trộn giữa bảo tàng và trung tâm văn hóa phát triển những loại hình hoạt động văn hóa xanh, không ô nhiễm mà các nước đã phát triển rất tốt. Chắc chắn vẫn có đất cho hãng phim, đây vẫn là trường quay có thể sử dụng bất cứ lúc nào. Ngoài những lúc không có kế hoạch thì nó là triển lãm tranh, là sàn cho múa đương đại, nhạc thể nghiệm, các loại sân khấu mới. Tôi có đầy kinh nghiệm để làm những bộ ghế ngồi có thể di chuyển và gấp lại được trong 15 phút chuyển thành khán phòng có ghế ngồi để xem diễn. Kêu gọi đầu tư vào trùng tu cái nhà này để an toàn không tốn nhiều tiền. Hiện nay nó vẫn rất chắc. Lúc ấy chẳng chóng thì nó sẽ trở thành một tổ hợp kiếm được tiền mà lại không phải phá đi di sản.
Họa sĩ Trần Lương