Đối với người dân thành phố Tô Châu (tỉnh Giang Tô), Thái Hồ rộng 2.400 km2 không chỉ là máy in tiền cho ngành du lịch địa phương mà còn là nguồn cung cấp nước uống chủ yếu của họ. Nhưng vài tháng trước, một phần của hồ ở thị trấn Jinting bỗng dưng đầy các loại phế thải vật liệu xây dựng như gạch, ngói vỡ… và chất thải thương mại phát sinh ở Thượng Hải. Thái Hồ thơ mộng đã trở thành ác mộng đối với người dân địa phương. Đống rác thải khổng lồ, cao khoảng 7m, to bằng 3 sân bóng rổ, bốc mùi hôi thối, thu hút đàn đàn lũ lũ ruồi bâu nhặng bậu. “Chúng tôi không dám mở cửa sổ dù trời nóng bức. Đến bữa cơm, nuốt không trôi”, một người dân địa phương than thở.
Bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài nhiều tuần sau đó, 8 con tàu, trọng tải 300-500 tấn/chiếc, thường xuyên chất đầy rác thải từ Thượng Hải tới Tô Châu và đổ chúng xuống ven bờ Thái Hồ. Dù chính quyền Thượng Hải đã áp dụng nhiều biện pháp để đối phó tình trạng đổ trộm rác thải sang các tỉnh lân cận, nhưng không hiệu quả vì nhiều công ty tìm cách giảm thiểu chi phí xử lý, tái chế chất thải ở thành phố.
Không rõ nguồn gốc
Nhận được tin báo của người dân, cơ quan chức năng Tô Châu bắt giữ các tàu chở rác thải hồi tháng 7. Chủ một chiếc tàu khai rằng, ông không biết tàu của mình chở gì và nhận chuyên chở thông qua một người trung gian. “Mỗi lần chuyển hàng, tôi kiếm được 2.000 nhân dân tệ (6,6 triệu đồng). Sau khi dỡ hàng, tôi nhận được tiền. Còn là hàng gì thì tôi không quan tâm. Tôi chỉ phụ trách vận chuyển”, chủ tàu nói. Sau đó, giới chức Tô Châu ước tính, hơn 20.000 tấn chất thải, phần lớn là vật liệu xây dựng, đã được đổ xuống khu vực Thái Hồ. Cơ quan chức năng đã tạm giữ 12 người liên quan.
Rác thải được vận chuyển từ cảng Huibin và cảng Changning ở Thượng Hải. Các công nhân cảng Huibin nói rằng, cảng này trước đây chỉ được dùng để vận chuyển cát, chưa bao giờ là rác thải xây dựng. Rác thải xây dựng chuyên chở tới Giang Tô được các đối tượng trung gian chuyển tới cảng Huibin và công nhân cảng không biết rác đến từ đâu. Lãnh đạo một công ty xây dựng ở Thượng Hải nói rằng, họ trả cho cơ quan quản lý địa phương 600 nhân dân tệ (gần 2 triệu đồng) cho mỗi xe tải chở đầy chất thải (khoảng 3 tấn), coi đây là phí xử lý. Hỏi chất thải được đem đi đâu, vị lãnh đạo này nhận được câu trả lời: Một số được chuyển tới các nhà máy tái chế, một số được dùng để làm vật liệu xây đường sá, một số được sử dụng để lấp những hố sâu.
Liu Dongsheng, quan chức phụ trách rác thải xây dựng tại Văn phòng Quản lý Chất thải thuộc Phòng Quản lý Xanh Thượng Hải, nói rằng, theo quy định, chính quyền địa phương phải đăng ký cả nguồn gốc rác thải xây dựng và vị trí đổ chất thải. Trong trường hợp Thái Hồ, rác thải xây dựng đã không được đăng ký.
Một người trong cuộc nói rằng, các chủ tàu có thể kiếm gấp đôi số tiền cước vận tải thông thường nếu họ vận chuyển chất thải trái phép. Những người môi giới kiếm được 30 nhân dân tệ (100.000 đồng) với mỗi tấn rác. Khi rác được dỡ khỏi tàu, những người giúp tìm kiếm địa điểm đổ trộm chất thải kiếm thêm 5 nhân dân tệ (17.000 đồng) với mỗi tấn rác.
Chen Yongnian, thuyền viên một tàu bị bắt, nói rằng, một người môi giới liên lạc với họ và anh không biết nguồn gốc chất thải. Vận chuyển chất thải tới Thái Hồ giúp anh kiếm được 7.000 nhân dân tệ (23 triệu đồng). Đến nay, giới chức địa phương vẫn đang điều tra xem những người trung gian lấy chất thải từ đâu.
Đây không phải là lần đầu tiên chất thải từ Thượng Hải được bí mật vận chuyển tới Giang Tô và đổ tại tỉnh này. Tháng 11/2014, khoảng 1.000 tấn chất thải được đổ xuống sông ở Giang Tô. Kết quả điều tra cho thấy, chất thải đến từ quận Mẫn Hàng của Thượng Hải. Trước đó, rác thải từ Mẫn Hàng được chuyển tới cảng Minwu để tàu chuyên dụng chở tới một bãi chôn lấp. Khi cảng đang được nâng cấp, chính quyền địa phương ký thỏa thuận với một công ty vận chuyển để quản lý chất thải. “Chính quyền thuê các công ty chuyên nghiệp để xử lý chất thải, nhưng một số công ty coi lợi nhuận là trên hết, đổ rác thải bên ngoài Thượng Hải”, một cán bộ bảo vệ môi trường nói.
Chất thải ngày càng nhiều
Xu Hesheng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Xây dựng và Phát triển Thượng Hải, nói rằng, Thượng Hải tạo ra 89 triệu tấn rác thải xây dựng năm 2015, tức 240.000 tấn mỗi ngày. Khối lượng rác thải xây dựng phát sinh ở Thượng Hải ngày càng tăng. Ngoài ra, mỗi ngày thành phố này tạo ra 20.000 tấn chất thải tiêu dùng. Hầu hết số chất thải này được tái chế hoặc xử lý ở Thượng Hải, trong khi một phần được tái chế ở các tỉnh lân cận theo thỏa thuận giữa các chính quyền địa phương.
Ông Xu nói rằng, trong khi hầu hết các tỉnh của Trung Quốc có khả năng xử lý chất thải phát sinh từ địa bàn của họ, bốn đô thị lớn, gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và Trùng Khánh, gặp nhiều áp lực xử lý, tái chế chất thải hơn vì dân cư đông, kinh tế phát triển. “Thượng Hải có diện tích nhỏ, nhưng luôn phát sinh lượng rác thải xây dựng khổng lồ. Đất đai đắt đỏ được dùng để làm nhà ở, phục vụ thương mại và nông nghiệp. Còn lại rất ít đất dành cho xử lý chất thải”, ông Xu nói.
Tám con tàu bị tạm giữ vì chuyên chở trái phép chất thải tới Giang Tô. Ảnh: IC
Quận Gia Định (nơi có cảng Huibin) của Thượng Hải có bãi chôn lấp rác thải gần địa phận Giang Tô. Khoảng 10.000 dân quanh khu chôn lấp không thể chịu nổi mùi hôi thối của chất thải phân hủy. Bãi rác được thiết kế tiếp nhận 1.000 tấn chất thải mỗi ngày, nhưng đã quá tải. Giới chức địa phương mới đây cho phép mở rộng diện tích bãi chôn lấp, nhưng người dân phản đối kịch liệt. Hiện nay, người ta đang xây dựng một nhà máy biến rác thành điện với công suất xử lý 1.500 tấn chất thải mỗi ngày. Một quan chức Gia Định nói rằng, vì bãi rác đã quá tải, họ phải nhờ tàu chở chất thải đi nơi khác.
Du Huanzheng, giáo sư quản lý chất thải tại Đại học Đồng Tế (Trung Quốc), nói rằng, có hai cách giải quyết các vấn đề kinh tế nảy sinh từ rác thải xây dựng. Một là chính quyền trợ giá xử lý chất thải. Hai là các công ty xây dựng trả tiền cho các hãng quản lý chất thải để họ xử lý rác thải xây dựng.
Núi rác sập, hơn 70 người chết
Tháng 12/2015, hơn 70 người thiệt mạng ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, sau khi một núi rác thải xây dựng đổ sập, tràn qua hàng chục ngôi nhà. Báo chí hồi đó đưa tin, Thâm Quyến mỗi năm tạo ra 30 triệu mét khối rác thải xây dựng và chính quyền thành phố phải vật lộn với việc xử lý chất thải. Trước năm 2000, do các dự án xây dựng chưa có nhiều, rác thải xây dựng được đổ tại các vùng trũng của Thâm Quyến. Sau năm 2006, việc xây dựng tàu điện ngầm ở Thâm Quyến được đẩy mạnh, thị trường địa ốc bùng nổ, nhiều garage được xây ngầm, nên lượng đất đá, rác thải xây dựng tăng mạnh. Vị trí xảy ra vụ sập đống rác thải gây chết người là một trong chín địa điểm mà chính quyền địa phương xác định là khu xử lý chất thải nhưng nó đã quá tải. Chất thải tràn ra khu vực xung quanh rồi chất đống mà không ai để ý. “Chỉ khi tất cả các bên liên quan quan tâm tái chế rác thải thì vấn đề mới được giải quyết, nhưng một hệ thống tái chế như vậy chưa được thiết lập ở Trung Quốc”, giáo sư Du nói.
Sau vụ việc Thái Hồ, chính quyền Thượng Hải nhấn mạnh rằng, tất cả rác thải xây dựng phải được xử lý, tái chế trong địa bàn thành phố. Hiện nay, tất cả các quận đều thành lập trạm trung chuyển rác thải xây dựng. Các trạm này có nhiệm vụ phân loại chất thải để tăng tỷ lệ tái chế. Ở quận Hồng Khẩu, khoảng 10 công nhân phụ trách phân loại 300-400 tấn rác thải mỗi ngày. Shen Genfa, trạm trưởng trạm Hồng Khẩu, nói trên truyền hình địa phương: “Nếu chúng tôi ngừng làm việc một hoặc hay ngày, khu vực này sẽ quá tải và rác sẽ chất đống bên ngoài trạm”.
Trong tương lai, Thượng Hải sẽ có hệ thống tái chế chất thải có khả năng xử lý 7,5 triệu tấn mỗi năm.