Theo anh, có nên đặt tên một bộ phim là “Bóng đè” trong bối cảnh đã có truyện “Bóng đè” quá nổi tiếng, của Đỗ Hoàng Diệu?
Không nên. Thứ nhất: Nó trùng tên với một tác phẩm đi trước đã được bảo hộ bản quyền (Thậm chí tôi từng đề nghị bảo hộ tác phẩm là bảo hộ cả tên tác phẩm). Thứ hai: Lặp lại người khác là thứ rất kỵ đối với tác phẩm văn học nghệ thuật.
Nhiều năm trước anh từng chê cười cái tên phim truyền hình “Nhật ký Vàng Anh” trong đó nhân vật nữ chính trùng tên nhà văn Phan Thị Vàng Anh?
Phim là tác phẩm hư cấu, mà đặt cái tên phim như thế thì gần như hướng thẳng vào nhân vật có thật- một nhà văn, và cái tên lại thuộc loại hiếm, người ta suy ra ngay như vậy, không phải là cái tên như Hương Lan, Bích Ngọc nào đó.
Bên truyền hình thường xuyên lấy tên tác phẩm của người khác: Nắng chiều (tên truyện ngắn của Nguyễn Khải), Đàn chim trở về (tên truyện của Vũ Lê Mai, về sau Nguyễn Khánh Dư dựng thành phim điện ảnh)…Vân vân.
Tên tác phẩm cũng như bản thân tác phẩm, phải luôn là đầu tiên, thứ nhất, duy nhất. Khi đặt tên tác phẩm, tôi luôn lưu ý đặt cái tên vừa phù hợp với nội dung vừa độc đáo, khó ai đặt lại được. Ví dụ: Người và xe chạy dưới ánh trăng, Trong sương hồng hiện ra, Dấu về gió xóa, Bốn lối vào nhà cười, Tiếng thở dài qua rừng kim tước, SBC là săn bắt chuột...
Giả sử có người nào lấy đúng cái tên ấy, hoặc gần giống như thế mà đặt cho tác phẩm của họ, thì sẽ bị nhận ra và gây ra tiếng cười không nhỏ. Vì sao? Vì cái đáng hổ thẹn nhất đối với một người làm văn chương nghệ thuật là lặp lại người khác. Lặp lại chính mình cũng vậy, cũng khiến người tử tế phải hổ thẹn
Giả dụ vẫn có người đặt trùng tên các tác phẩm kể trên và những tên truyện khác nữa của anh, và nếu bị kêu, họ sẽ giải thích rằng chẳng qua là trùng hợp ngẫu nhiên, tư tưởng lớn gặp nhau. Thì anh sẽ phản ứng thế nào? (Nhà sản xuất và đạo diễn bộ phim “Bóng đè” có lẽ cũng sẽ giải thích như thế, rằng bóng đè thì có gì độc đáo đâu, chỉ là một hiện tượng ngủ nghê mà thôi?).
Người làm nghệ thuật đích thực phải là người hiểu biết rộng và sâu, không chỉ lĩnh vực của mình mà cả các lĩnh vực nghệ thuật khác; không chỉ văn chương nghệ thuật mà cả kiến thức văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế... Như vậy khó có thể nói là tôi không biết có tác phẩm mang tên ấy ở ngành nghệ thuật khác. Và nếu anh ta không biết thì bản thân tác phẩm, sau khi công bố đã trở thành sản phẩm xã hội, đã được công chúng biết đến, chính công chúng sẽ phán xét, phê phán anh.
Tôi còn thấy nghệ sĩ thế hệ sau rất đáng trách nếu lấy nghệ danh của người đi trước, ví dụ Phương Thanh, Thanh Hoa, Thu Phương, Thùy Linh... Nghệ danh cũng là một thứ cần được bảo hộ bản quyền.