Đọc Kiều, yêu Kiều thời 4.0

TP - Cùng lúc: ngâm Kiều, thư pháp Kiều, lẩy Kiều, vẽ Kiều, bói Kiều, tọa đàm về Kiều... được tổ chức, nhân 200 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du. Chuỗi sự kiện kéo dài 3 ngày đưa đến nhiều bất ngờ, về những người còn đọc Kiều, yêu Kiều trong thời 4.0 này.

Họa sĩ “dây điện” ngâm Kiều

Sự kiện do thương hiệu sách Mai Hà Book vừa tổ chức (từ 29-31/10).

Trong khuôn khổ các hoạt động của chuỗi sự kiện “Ai nhớ Tố Như…”, khi thấy nhà phê bình Mai Anh Tuấn giới thiệu: nghệ sĩ Ngọc Dân sẽ biểu diễn ngâm Kiều, rất nhiều khán giả xao xác hỏi nhau: Ngọc Dân này có phải là Ngọc Dân “dây điện” hay không?

Dịch giả Châu Hải Đường xác nhận, Dân “đó” và Dân “này” vốn là một. Thông tin bất ngờ này khiến nhiều người thấy thú vị. Giới quan tâm đến hội họa ít nhiều đều biết họa sĩ Ngọc Dân người Hải Phòng, có nick là Dân “dây điện” vì nổi tiếng với những bức tranh vẽ dây, cột điện, loa phường... đã từng mang dây điện qua Hà Lan triển lãm.

Khác với gương mặt họa sĩ “điên trong trầm lặng” (như bạn anh nhận xét), trên sân khấu ngâm Kiều, Dân trong trang phục khăn đóng áo the khiến người ta cảm nhận được đầy đủ phong vị cổ của một thú chơi tao nhã “xưa lắm, lâu rồi” thuở văn hóa ngâm, vịnh... còn thịnh.

Đọc Kiều, yêu Kiều thời 4.0 ảnh 1 Kiều trong tranh Nguyễn Gia Trí (1942)

Và người đệm đàn tranh cực kỳ điêu luyện cho Ngọc Dân, không phải nghệ sĩ ưu tú hay nhân dân nào, mà là Tổng biên tập NXB Thế Giới, Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm.

Cùng lúc đó, thư pháp gia Thiền Phong Phạm Văn Tuấn lại khiến cả khán phòng rôm rả hẳn vì lời buông: có thể viết thư pháp tại chỗ tặng người có duyên. Có lẽ, đối với nhiều độc giả lớn tuổi, hình ảnh một tiến sĩ Hán Nôm mặc Âu phục song lại cầm bút lông trước khi viết thư pháp còn làm một thủ tục giống như bói Kiều để chọn câu khiến họ không quen, song lớp khán giả trẻ thì lại khá thích thú với kiểu tân cổ giao duyên này.

Đọc Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều, nghe Kiều, vẽ Kiều... của hôm nay đã rất khác với hôm qua về hình thức. Song, một khi tất cả những hoạt động ấy vẫn còn lấy Truyện Kiều làm kim bản vị, nó vẫn được coi là một phương thức để nối dài sự tồn tại của kiệt tác này.

Chỉ tính sơ sơ số người tham dự màn biểu diễn thư pháp và số đề nghị gửi lên ban tổ chức, MC Mai Anh Tuấn đã có thể kết luận: thư họa, thư pháp Kiều còn kéo dài, bởi vì nó vẫn được rất nhiều người trẻ yêu thích.

Cả một hệ sinh thái nghệ thuật xung quanh Truyện Kiều

Có lẽ trong lịch sử văn học Việt Nam, ít có tác phẩm nào lại tạo ra được cả một hệ sinh thái nghệ thuật xung quanh mình như Truyện Kiều.

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn cho rằng: Truyện Kiều không còn thuần túy là một tác phẩm văn chương, nó đã vượt lên trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng Việt Nam. Nhiều hình thức, sinh hoạt văn hóa liên quan đến Kiều như: họa Kiều, ngâm Kiều, lẩy Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, diễn Kiều... kéo dài, kể từ khi truyện ra đời cho đến nay. Anh nhấn mạnh: Truyện Kiều là ấn phẩm văn chương đủ xuất sắc để thu hút cộng đồng quốc tế biết đến văn chương, văn hóa Việt Nam.

Giáo sư Trần Đình Sử khẳng định lại nhận định: truyện Kiều nói mãi không cùng, đọc mãi không chán.

PGS. Nguyễn Hữu Sơn nhấn mạnh sức sống trường tồn của Truyện Kiều, từ khi còn là bản Nôm đã thấm đến từng làng quê qua những đề Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, cho đến khi nó được phiên âm ra chữ quốc ngữ, được dịch giới thiệu ra thế giới, có thứ tiếng dịch hơn mười lần... tạo ra một giới Kiều học. Ông Sơn khẳng định Truyện Kiều đã khiến Nguyễn Du xứng tầm các tác giả lớn trên thế giới.

“Truyện Kiều của Nguyễn Du phải tạo ra nguồn cảm hứng lớn thế nào mới khiến tất cả thế hệ họa sĩ Việt Nam, từ thế hệ Đông Dương đầu tiên cho đến nay đều có tác phẩm hoặc minh họa, hoặc phụ bản về Truyện Kiều?”. Trả lời cho câu hỏi này, họa sĩ Lê Thiết Cương liệt kê: Bắt đầu từ bộ tứ vĩ đại của Mỹ thuật Đông Dương: Trí, Vân, Lân, Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn) đều có minh họa và tranh vẽ lấy cảm hứng từ Kiều. Bộ tứ thứ hai Phổ, Thứ, Lựu, Đàm (Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm) cũng không ai không bị Kiều hấp dẫn. Riêng bộ tứ thứ ba Nghiêm, Liên, Sáng, Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái) thì chỉ có Nguyễn Sáng là không minh họa Truyện Kiều.

Nói thế để khẳng định rằng, tầm ảnh hưởng và sức hấp dẫn của Truyện Kiều là “thiên hạ vô địch”. Cho đến tận hiện nay, nhiều họa sĩ trẻ vẫn thích thú với việc minh họa Kiều, như một nguồn cảm hứng bất tận.

Đọc Kiều, yêu Kiều thời 4.0 ảnh 2 Họa sĩ Ngọc Dân ngâm Kiều, Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm đệm đàn

Trong sự kiện “Ai nhớ Tố Như…” có trưng bày Bộ sưu tập “Truyện Kiều” và Nguyễn Du với nhiều ấn bản quý từ các nhà sưu tầm trong cả nước như: “Truyện Kiều” bằng chữ Nôm; “Kim Vân Kiều” của Thanh Tâm Tài Nhân; các ấn phẩm về Nguyễn Du; thư pháp thơ chữ Hán Nguyễn Du và “Truyện Kiều”; tranh dân gian họa Kiều.

Nhân dịp này, MaiHaBooks cũng tái bản một số ấn phẩm đặc sắc về “Truyện Kiều” ra đời trong khoảng nửa đầu thế kỷ XX gồm: “Kim Vân Kiều” tái bản theo bản in năm 1951; “Lãm Thúy tập” và tập văn họa “Kỷ niệm Nguyễn Du”. 

MỚI - NÓNG