Danh hoạ Trần Lưu Hậu: Người luôn là chính mình

TP - Sẽ rất ngạc nhiên khi có một ai đó không là chính mình. Thế nhưng nếu đi sâu vào phân tích tiểu sử một nhân vật bất kì cả nổi tiếng lẫn tầm thường thì mới nhận ra rằng có không nhiều người luôn là chính mình.
Danh hoạ Trần Lưu Hậu: Người luôn là chính mình ảnh 1 Chân dung Trần Lưu Hậu tự họa

Thầy Hậu là cách gọi thân mật của lứa học trò chúng tôi gần nửa thế kỉ trước. Và ngạc nhiên thay nửa thế kỉ sau chúng tôi vẫn gọi họa sĩ Trần Lưu Hậu bằng cách trìu mến như vậy. Trong những câu chuyện nói với nhau hàng ngày hay cả những khi gặp ông ở bất kì đâu, mọi người đều gọi ông như vậy. Đơn giản vì ông đã dành phần lớn tâm huyết cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục. Những họa sĩ lớn, nhỏ ở ta bây giờ phần lớn là học trò của ông. Dù trực tiếp hay gián tiếp cũng là.

Thày Hậu dành được nhiều cảm tình và sự trân trọng của học sinh không phải bằng phương pháp dạy dỗ thuần túy. Đó là một người thày hết sức đặc biệt. Ông không “cầm tay chỉ việc”. Giờ lên lớp ông thường lặng lẽ đứng sau lưng học trò bên giá vẽ hàng giờ đồng hồ mà chẳng nói câu nào. Học sinh nhiều đứa hết sức hoang mang. Thế nhưng bên ngoài lớp học, ông tâm sự rất thật tình: “Những người học vẽ đang đi đúng hướng thì không cần bảo ban gì thêm”. Đó là phong cách dạy học của họa sĩ Trần Lưu Hậu. Nhiều bạn bè và ngay cả chính tôi sau này đi dạy học vẫn nhớ mãi bài học này. Một bài học làm cho học sinh nhận thức rất rõ cái riêng biệt của mình. Sở dĩ nó thấm rất sâu là bởi lứa học sinh ngày ấy được giáo dục theo bài bản của “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Nơi mà “cái tôi” luôn cần được giấu kín không thể bộc lộ. Chủ nghĩa này không xấu. Nhưng đó chỉ là một trong hàng chục chủ nghĩa được sinh ra trên đời cho nghệ sĩ tự chọn lựa. Nó chỉ không hay khi áp đặt vào người sáng tác dù là bất kì chủ nghĩa nào.

Thày Hậu không dạy học sinh trở thành những thợ vẽ thông thường. Điều này là nguyên tắc bất biến trong suốt sự nghiệp giáo dục của ông. Thế nhưng có khá nhiều học trò của ông chọn con đường trở thành một thợ vẽ. Ông tôn trọng ý chí và nghị lực ấy. Và cũng không bao giờ bài xích họ. Ông đặc biệt quan tâm vun đắp cho những ai muốn trở thành nghệ sĩ. Trong bài tập cụ thể và thậm chí cả trong ý tưởng vừa nhen nhóm hình thành ông luôn có những góp ý tận tình. Rất hiếm khi có một ông thày ngoài giờ lên lớp ra thỉnh thoảng lại tổ chức ngoại khóa nói chuyện buổi tối. Thày Hậu cần mẫn làm việc đó trong suốt nhiều năm liền. Thấy học sinh có vẻ như không thích lắm hội họa của Nga, thậm chí có người còn tuyên bố hùng hồn. Thày lập tức tổ chức ngay một buổi nói chuyện về trường phái “Hội họa lưu động Nga”. Bằng những sách vở mượn được ở thư viện nhà trường để minh họa, thày đã chỉ ra cho học sinh thấy những điểm mạnh của trường phái này một cách rất cụ thể. Học trò vỡ lẽ ra rất nhiều điều.

Điều đáng ngạc nhiên nhất ở thày Hậu lại là công việc sáng tác. Đó là việc mà các thày khác ở trường thường là sao nhãng. Coi nó là việc tay trái, thừa thời gian thì làm. Phần lớn là không. Thày Hậu bền bỉ âm thầm sáng tác cả vào những giai đoạn khó khăn nhất thời bao cấp. Trong căn hộ tập thể ở Kim Liên chỉ rộng chừng hai chục mét vuông với hai vợ chồng và bốn người con ông vẫn sắp xếp được để liên tục có những tác phẩm ra đời. Tác phẩm của ông không chỉ là hội họa. Ông còn là một họa sĩ sân khấu lừng danh. Những vở diễn như “Đại đội trưởng của tôi”, “Ê dop” với phần trang trí sân khấu của ông đã trở thành kinh điển. Đó là những tác phẩm trang trí sân khấu với tinh thần tối giản thông minh tuyệt đỉnh.

Với hội họa, họa sĩ Trần Lưu Hậu là người thành công ngay từ rất sớm. Trong chiến khu Việt Bắc năm 1949 họa sĩ Tô Ngọc Vân đã phát hiện ra điều này và gọi ông vào học lớp Mỹ thuật kháng chiến do chính thày Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy. Kể từ đó đến nay ông bền bỉ sáng tạo và cũng rất sớm tìm ra con đường của mình. Đó là phong cách Trần Lưu Hậu. Lối vẽ biểu hiện có pha chút trừu tượng của ông đã ảnh hưởng đến khá nhiều học trò. Tuy nhiên đạt đến độ nhuần nhuyễn như ông thì chưa có ai. Ông từng tâm sự rất thật rằng: “Họa sĩ có quyền vẽ đi vẽ lại cái mình yêu nó, hiểu nó. Có như vậy thì mới vẽ đúng, vẽ đẹp được.”. Đó là tâm sự rất chính đáng của một người làm nghề. Ông đã thực hành nghề nghiệp đúng với điều mình suy nghĩ cho dù không ít người cầm bút không tán thành quan niệm ấy. Thế nhưng cũng phải đến gần cuối đời tác phẩm của ông mới được người xem quan tâm rộng rãi. Và họ nhanh chóng chuyển mối quan tâm ấy thành thích thú sưu tầm. Vào những lúc cuộc sống khó khăn nhất tranh của ông thường được tặng cho bạn bè mà thôi.

Hội họa của Trần Lưu Hậu là một dòng chảy liên miên không dứt đề cao cảm xúc. Đúng như lúc sinh thời ông thường nói “Chẳng chọn lựa đề tài làm gì, quan trọng là vẽ như thế nào?”. Và cái “…như thế nào” ấy đã làm nên một họa sĩ Trần Lưu Hậu lừng danh với những hòa sắc tươi sáng mạnh bạo và những bố cục đột ngột với nhịp điệu gấp ruổi.

                                                                                                3/2/2019  

Họa sĩ Trần Lưu Hậu sinh năm 1928, mất ngày 29/2/2020.

Ông là một trong những họa sĩ nổi bật của Khóa kháng chiến, cùng với các tên tuổi khác như Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Mai Long, Ngô Tôn Đệ, Ngô Mạnh Lân, Lê Huy Hòa…

Ông là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) từ 1962 cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 1988, đồng thời công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam qua nhiều chức vụ khác nhau.

Họa sĩ Trần Lưu Hậu được trao Giải thưởng nhà nước năm 2001.

Học trò, đồng nghiệp và gia đình đã đưa tiễn ông trang trọng vào sáng ngày 6/3/2020, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Danh hoạ Trần Lưu Hậu: Người luôn là chính mình ảnh 2 Tác phẩm của Trần Lưu Hậu
MỚI - NÓNG