Sáng 1/9, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau khi trên mạng xã hội xuất hiện thông tin gây xôn xao dư luận nêu trên, chiều hôm qua (31/8), Sở đã cử đoàn cán bộ vào nơi đang lưu giữ các bức tượng này. Đó là bãi giữ xe của khu du lịch Quỷ Núi do Liên Minh Group làm chủ đầu tư tại thôn Đạ Nghịt (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), cách trung tâm TP.Đà Lạt khoảng 20 km.
Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy, đó là những bức tượng lính Việt xưa, từng được sử dụng tại Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương). Mặt khác, hiện cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng chưa cấp phép dự án nào liên quan đến Tử Cấm Thành.
Vì không có dự án, chưa có giấy phép nên không thể sử dụng số tượng số tượng nói trên. Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng đề nghị Liên Minh Group đưa số tượng này trở về nơi xuất phát.
PV Tiền phong đã tìm đến khu du lịch Quỷ Núi để tìm hiểu thực hư về những tượng lính mà một số chủ tài khoản facebook cho rằng, tượng lính Trung Quốc thời Tần Thủy Hoàng.
Khu du lịch này đã phải đóng cửa chỉ sau ít ngày khai trương vì dư luận phản ứng có những bức tượng quỷ nhạy cảm, chưa được thẩm định cấp phép…; đồng thời xảy ra vụ lùm xùm võ sư đánh người dám chê khu du lịch Quỷ Núi mà báo Tiền Phong đã phản ánh.
Hiện nay tại bãi giữ xe của khu du lịch này có khoảng 60 tượng lính đang được phủ tấm bạt lớn màu xanh để che mưa nắng. Trên quân phục trên áo giáp và khiên của những bức tượng này có hoa văn giống chim lạc. Đa số các bức tượng đều bị sứt mẻ do quá trình vận chuyển và được sử dụng nhiều năm.
Ông Ngô Quang Phúc-Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Liên Minh Group, cho biết đã mua 230 tượng lính Việt xưa tại khu du lịch Đại Nam rồi thuê xe tải chở từ Bình Dương về Đà Lạt. Hiện mới chở được khoảng 60 tượng, tạm để tại bãi xe khu du lịch Quỷ Núi để sửa chữa, phục chế.
Về dòng trạng thái gây bức xúc trên mạng xã hội mà ông Ngô Quang Phúc chia sẻ trên trang Facebook cá nhân “Đội tinh binh đã về đến khu du lịch phim trường được mang tên “Tử Cấm Thành”, ông cho rằng đó chỉ là ý tưởng bộc phát khi cùng đoàn xe chở tượng lính về Đà Lạt.
Ông Phúc nói: “Tử Cấm Thành” mà ông nhắc đến là ở cố đô Huế và dự định sẽ ra Huế khảo sát thực tế, nghiên cứu lịch sử để trong tương lai xây dựng khu du lịch Tử Cấm Thành chứ không dính dáng gì đến Trung Quốc.