Anh đầy lạc quan hứng khởi về Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành T.Ư Ðảng tại Ðại hội Ðảng sắp tới trong đó phần đề cập văn hóa có đoạn: “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa”. Ðây là lần đầu tiên, công nghiệp sáng tạo- công nghiệp văn hóa được thừa nhận như một yếu tố cấu thành của nền kinh tế, được thừa nhận tính thị trường và được tạo đà phát triển; còn trước đây, nói văn hóa có nghĩa là phi kinh tế, phi thị trường, mang ý nghĩa tinh thần là chính?
Tôi là một người thúc đẩy công nghiệp sáng tạo- công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, nên đây là một tin vui rất quan trọng.
Thế giới đã thừa nhận và coi công nghiệp sáng tạo- công nghiệp văn hóa là một ngành kinh tế giá trị, có tỷ trọng đóng góp tới gần 10% vào GDP toàn cầu. Trong khi chúng ta chưa hề coi đây là ngành kinh tế thực thụ, mà chỉ là các hoạt động phi kinh tế, mang tính giải trí, tư tưởng.
Nếu được thông qua, văn kiện chính trị này sẽ là cơ sở pháp lý để Nhà nước ban hành các chính sách cụ thể, mở đường cho công nghiệp sáng tạo phát triển ở Việt Nam. Chị thấy, trong báo cáo chính trị này, Ðảng đã đề cập “thị trường văn hóa”, đó là điều chúng tôi mong mỏi nhất, vì một khi thừa nhận ngành văn hóa là một thị trường, thì nó sẽ được vận hành theo quy luật kinh tế, nghĩa là sản phẩm sẽ được sáng tạo theo nhu cầu trải nghiệm của thị trường, được định giá theo năng lực và giá trị gia tăng được tạo ra bởi bảo hộ tác quyền.
“Ranh giới giữa đầu tư để gìn giữ, giáo dục giá trị văn hóa đích thực và lợi dụng thị hiếu văn hóa giản đơn để thương mại hóa là rất mong manh”.
Ông Lê Quốc Vinh
Trong kỷ nguyên kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo sẽ đóng vai trò cực kỳ to lớn. Trong top 30 thương hiệu có giá trị lớn nhất toàn cầu năm 2014 do Interbrands xếp hạng thì có tới 13 thương hiệu thuộc công nghiệp sáng tạo. Năm 2014, ngành công nghiệp giải trí ở Mỹ đạt doanh thu 564 tỷ đôla. Riêng công nghiệp phim ảnh ở Hollywood, 10 nhà phân phối phim lớn nhất đã có doanh thu khoảng 10 tỷ đôla.
Nhìn sang châu Á, chúng ta thấy làn sóng văn hóa Hàn Quốc, với những bộ phim truyền hình dài tập, phim truyện nhựa và cả âm nhạc Kpop đang chi phối màn ảnh toàn thế giới. Xuất khẩu văn hóa trở thành chiến lược quốc gia số 1 của người Hàn, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác như thời trang, xe hơi, máy móc và sản phẩm điện tử.
Ông Lê Quốc Vinh.
Công nghiệp sáng tạo, hay công nghiệp văn hóa như cách gọi chính thức của Việt Nam, không đòi hỏi đầu tư tài chính lớn nhưng lại mang lại hiệu quả cao, bởi giá trị gia tăng được tạo ra nằm ở sức sáng tạo của cá nhân con người. Ở Anh, Mỹ, các nhà văn như J.K. Rowling (tác giả Harry Potter), MC truyền hình Oprah Winfrey là tỷ phú, chính bởi danh tiếng của họ được gắn liền với tác phẩm và sự tôn trọng bản quyền tác phẩm ở khắp nơi trên thế giới. Khi công nghiệp văn hóa ở Việt Nam có một thị trường đúng nghĩa, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng có nhà văn trở thành triệu phú chứ!
Ở CLB Doanh nhân Sáng tạo, chúng tôi xếp 16 ngành vào lĩnh vực sáng tạo. Bên cạnh các ngành văn hóa như âm nhạc, trình diễn nghệ thuật, hội họa, thủ công mỹ nghệ, phim, truyền hình, xuất bản, thì còn các ngành như phần mềm, thiết kế công nghiệp, kiến trúc, thời trang và ẩm thực. Tất cả đều rất tiềm năng đối với nền kinh tế nói chung.
Hennessy mang nhạc cổ điển bác học đến Việt Nam.
Vâng, hy vọng tương lai không xa, ta sẽ có các nhà văn nhà báo triệu phú chân chính. Trong quá khứ, người Việt từng kỳ thị nghề kinh doanh, doanh nhân. “Nhất sĩ nhì nông”. Nay đã khác. Còn văn hóa doanh nhân thì sao? Văn hóa doanh nhân Việt Nam đang ở đâu? Trong một số sự kiện có doanh nhân tham gia, tôi và nhiều người nhiều khi hơi thất vọng về văn hóa doanh nhân. Chẳng hạn quảng cáo quá lố về thương hiệu của mình, hoặc bộc lộ sự phiến diện về kiến thức xã hội.
Nói văn hóa doanh nhân là nói thái độ ứng xử, phong cách làm việc và phong cách sống. Nó là một phần của văn hóa doanh nghiệp. Một số người nhầm lẫn khái niệm văn hóa doanh nhân là doanh nhân làm văn hóa.
Tôi xin nói cái dễ trước, đó là phong cách sống. Riêng vấn đề này đã phức tạp rồi. Chẳng hạn cách ăn mặc, giao tiếp, ứng xử, quan hệ xã hội… là những phạm trù tưởng như rất cá nhân và bản năng, nhưng một khi đã lựa chọn làm doanh nhân, anh phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Tôi làm tư vấn về xây dựng thương hiệu cá nhân, cho nên đây là những vấn đề mà tôi xem trọng.
Chẳng hạn như trang phục. Tôi không phản đối mỗi doanh nhân có một môi trường làm việc khác nhau và có thể lựa chọn các phong cách ăn mặc khác nhau. Nhưng tùy thời điểm và sự kiện, doanh nhân phải cân nhắc lựa chọn trang phục phù hợp. Tôi rất ngạc nhiên thấy nhiều doanh nhân của ta đi dự tiệc chiêu đãi hoặc các sự kiện trọng thể, dù nhà tổ chức đã khuyến cáo rõ ràng trang phục lịch sự (business attire) hoặc trang trọng (formal attire) nhưng vẫn thản nhiên mặc quần jeans, áo thun, hoặc không đeo cà vạt. Ngược lại, các sự kiện được khuyến cáo trang phục thoải mái (business casual hoặc casual attire) thì lại long trọng đánh bộ vest, quần là áo lượt.
Trong cuộc sống hàng ngày, doanh nhân có thể chọn phong cách thoải mái, giản dị, nhưng không được phép mặc xấu, và phải tuân thủ các chuẩn mực về thời trang, bởi họ là bộ mặt của doanh nghiệp. Nữ doanh nhân nhiều khi cầu kỳ, diêm dúa quá, nhưng nam doanh nhân lại thường tặc lưỡi xuê xoa. Không ít lần tôi thấy các anh đi tất trắng với giày đen, hoặc các chị diện hàng đống trang sức trong phòng họp.
Ẩm thực cũng là vấn đề. Không gì xấu hơn hình ảnh một doanh nhân phanh áo, nốc bia trăm phần trăm trong các cuộc tiếp tân trang trọng. Uống rượu sao cho đúng cũng cần phải học, từ cách chọn ly, cách rót rượu, cách thưởng thức phù hợp với món ăn lựa chọn. Người châu Âu rất cầu kỳ trên bàn ăn. Từ cách đặt khăn ăn lên đùi, đến cách lựa chọn loại dao dĩa phù hợp cho mỗi món ăn, cách nói chuyện bên bàn tiệc… đều có chuẩn mực của nó, mà doanh nhân cần biết.
Nói về giao tiếp, ứng xử với đối tác, đồng nghiệp, nhân viên, phải làm sao cho họ nể trọng, cởi mở mà không suồng sã. Chúng ta từng thấy có doanh nhân bị lên báo vì ứng xử thô lỗ nơi công cộng, hoặc thô bạo với nhân viên, hoặc bị chộp hình với những động tác xấu xí. Doanh nhân cũng là người của công chúng ở phạm vi nào đó, cho nên anh không được phép cư xử quá bản năng bên ngoài xã hội.
Văn hóa doanh nhân còn phải là người có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Song song với nỗ lực kinh doanh, làm giàu, anh ta phải còn biết cân đối hài hòa với lợi ích chung của cộng đồng, của đất nước mà anh ta đang sinh sống.
Một điều nữa mà tôi muốn mở ngoặc, đã là doanh nhân thì không nên xin vé xem nghệ thuật chùa. Văn hóa doanh nhân trước hết là người biết trân trọng giá trị văn hóa nghệ thuật, và đồng ý chi trả cho các sáng tạo nghệ thuật. Nhìn rộng ra, văn hóa doanh nhân là người có ứng xử văn hóa trong cuộc sống và trong công việc, có thái độ trân trọng con người và tôn trọng lợi ích chung.
LêGroup-tập đoàn truyền thông của anh nhiều năm qua mạnh nhất trong các công ty truyền thông về tổ chức sự kiện- nhất là sự kiện văn hóa mà chủ sự là tổ chức nước ngoài. Hóa ra đầu tư cho văn hóa cũng dễ dàng đưa lại tiền bạc, tiếng tăm không kém lĩnh vực khác?
Cũng không phải dễ dàng để họ lựa chọn Le Bros đâu. Chúng tôi phải trải qua một quá trình chứng minh tính chuyên nghiệp và thái độ ứng xử có văn hóa với khách hàng, với cộng đồng mà họ nhắm tới. Chúng tôi thường sẽ đưa ra những đề xuất ý tưởng có tính văn hóa và nghệ thuật cao, bên cạnh đó là những giá trị nhân văn nhất định. Tôi nghĩ rằng, khách hàng ngày nay sẽ lựa chọn các đối tác biết chia sẻ trách nhiệm xã hội cùng họ.
“Đã là doanh nhân thì không nên xin vé xem nghệ thuật chùa. Doanh nhân văn hóa phải biết trân trọng giá trị văn hóa nghệ thuật, đồng ý chi trả cho các sáng tạo nghệ thuật. Nhìn rộng ra, doanh nhân văn hóa là người ứng xử văn hóa trong cuộc sống và công việc, trân trọng con người và tôn trọng lợi ích chung”.
Ông Lê Quốc Vinh
Nhiều doanh nhân Việt Nam vẫn nghĩ rằng làm trách nhiệm xã hội chỉ là làm từ thiện. Thực ra, bên cạnh các mảng thiết yếu như môi trường, giáo dục, thì đầu tư cho văn hóa chính là một cách đầu tư cho phát triển bền vững hiệu quả nhất. Một dân tộc có nền văn hóa phát triển mạnh mẽ là dân tộc có sức mạnh nội tại cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều người chỉ trích ông Ðặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên áp đặt sách cho thanh niên mà không nhận thấy mặt tích cực của nó là mang văn hóa và kiến thức đến cho mọi người.
Doanh nhân Lê Anh Ðức của Công ty Cá tầm Việt Nam là một trong số ít người đắm đuối đầu tư cho âm nhạc. Ông ấy nhiệt tình tổ chức nhiều chương trình âm nhạc không phải để làm thương hiệu cho doanh nghiệp, mà chỉ đơn giản là muốn nuôi dưỡng tài năng và truyền bá âm nhạc mà thôi. Ðương nhiên, đầu tư vào văn hóa để làm thương hiệu cũng không có gì là sai cả, ngược lại càng hiệu quả cho xã hội. Vietnam Airlines, Toyota, Hennessy mang nhạc cổ điển bác học đến Việt Nam. VPBank đưa các nghệ sỹ đại chúng đỉnh cao đến Việt Nam. Davines bỏ tiền mang hội họa, điêu khắc, nghệ thuật hình ảnh đến công chúng… Bản thân công ty của tôi cũng thường xuyên tổ chức các chương trình thời trang nghệ thuật Ðẹp Fashion Show để quảng bá thời trang Việt Nam.
Nhưng đầu tư cho văn hóa- nghệ thuật không dễ. Cái ranh giới giữa đầu tư để gìn giữ, giáo dục giá trị văn hóa đích thực và lợi dụng thị hiếu văn hóa giản đơn để thương mại hoá là rất mong manh. Tôi vẫn nói, các doanh nhân tài trợ cho văn hóa, hay đúng hơn là bảo trợ cho văn hóa như một hoạt động trách nhiệm xã hội và các doanh nhân chỉ đơn thuần dùng văn hóa để quảng bá thương hiệu có một khoảng cách rất xa về nhận thức xã hội.
Hình ảnh tại Davines Hair Show 2014 - nằm trong chuỗi hoạt động nghệ thuật Davines thường niên. Ảnh trong bài: Tuấn Đào.
Trong sự kiện khai trương Hanoi Creative City (Thành phố Sáng tạo Hà Nội) hồi tháng 9, thấy anh nói kiểu không gian sáng tạo (creative hub) này là mô hình rất phổ biến trên thế giới. Anh có thể nói rõ hơn, bởi mô hình này còn xa lạ ở Việt Nam?
Không gian sáng tạo là sản phẩm xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các thành phố sáng tạo khắp nơi trên thế giới- London, Paris, New York, Silicon Valley… Tôi vừa ghé thăm một không gian sáng tạo như thế ở Chicago. Các thành phố sáng tạo- nơi tập trung các doanh nghiệp sáng tạo hàng đầu, đóng góp đến 80% tổng thu nhập quốc dân của ngành kinh tế sáng tạo. Tuy nhiên, để hình thành các thành phố sáng tạo, thu hút tầng lớp nhân lực sáng tạo- như Richard Florida đã nói, thì cần hội đủ ba yếu tố: Nhân tài (talent), công nghệ (technology) và lòng khoan dung (tolerance) với những ý tưởng sáng tạo và đột phá. Các creative hub đóng vai trò lực hút cho ba yếu tố này.
Một creative hub hoàn chỉnh sẽ có nhiều không gian chức năng, trong đó các không gian quan trọng là khối văn phòng của các doanh nghiệp sáng tạo, các không gian triển lãm, giới thiệu sản phẩm sáng tạo, biểu diễn, các không gian đào tạo, các không gian chia sẻ, làm việc chung (co-working space), và không kém phần quan trọng là các tiện ích dịch vụ phục vụ cho những người sẽ đến làm việc, tham quan và sinh hoạt tại đây. Các không gian sáng tạo này có thể hoạt động như một vườn ươm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), nơi các nhà đầu tư mạo hiểm có thể tìm thấy đối tác, nơi khách hàng có thể đặt mua sản phẩm, nơi trao đổi các ý tưởng sáng tạo, kết nối để phát triển.
Tất nhiên, không phải creative hub nào cũng đầy đủ chức năng như vậy. Tùy theo mục đích, quy mô, họ có thể lựa chọn một lĩnh vực đặc thù, hoặc một mô hình kinh doanh đặc thù nào đó. Ví dụ, Manzi ở Hà Nội tập trung vào hội họa, nghệ thuật thể nghiệm; Hanoi Grapevine là không gian sáng tạo ảo trên mạng internet, kết nối các hoạt động nghệ thuật đa dạng; Heritage Space là không gian đa chức năng, dành cho sự kiện, triển lãm, giới thiệu sách, đào tạo, v.v…
Tôi cũng muốn nói thêm là, các creative hub hoạt động như một lực hút tầng lớp sáng tạo, và tạo ra động lực cho họ sáng tạo. Nhưng nó có hoạt động hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó thái độ ứng xử từ nhà quản lý và công chúng đều quan trọng như nhau.
Cảm ơn anh.