Vấn đề sức khoẻ tâm thần trong độ tuổi học sinh gia tăng nhanh chóng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tài liệu truyền thông về sức khoẻ tâm thần của học sinh phổ thông do Bộ GD&ĐT mới ban hành khẳng định, những năm gần đây, ở Việt Nam, các vấn đề liên quan đến sức khoẻ tâm thần trong độ tuổi học sinh gia tăng nhanh chóng nhưng vấn đề này chưa được chú trọng.

Bộ GD&ĐT đã ban hành tài liệu về sức khoẻ tâm thần của học sinh phổ thông dành cho cán bộ y tế, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cha mẹ học sinh.

Theo Bộ GD&ĐT, Sức khỏe tâm thần của học sinh đang là vấn đề được quan tâm trong những năm gần đây. Các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm... không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của học sinh mà còn có tác động tiêu cực đến kết quả học tập và cuộc sống của bản thân các em và gia đình.

Nội dung nêu, các vấn đề sức khỏe tâm thần đang ngày càng trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới. Trong hơn một thập kỷ qua, các vấn đề sức khoẻ tâm thần đã tăng thêm 13%.

Vấn đề sức khoẻ tâm thần trong độ tuổi học sinh gia tăng nhanh chóng ảnh 1

Học sinh bật khóc vì căng thẳng, áp lực trong học tập.

Khoảng 20% trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới có các vấn đề về sức khoẻ tâm thần và tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trong nhóm dân số 15-29 tuổi. Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, các vấn đề liên quan đến sức khoẻ tâm thần cũng gia tăng nhanh chóng, trong đó có nhóm tuổi học sinh. Mặc dù vậy, các vấn đề này của nhóm tuổi chưa được chú trọng nhiều.

Khẳng định giáo viên có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình giáo dục và hỗ trợ học sinh tại trường học và việc hiểu về sức khoẻ tâm thần sẽ giúp giáo viên quản lý các hành vi trong lớp học tốt hơn, nâng cao kết quả giáo dục.

Tài liệu cung cấp những thông tin về đặc trưng lứa tuổi, các khó khăn thường gặp phải và hướng dẫn giáo viên và cha mẹ cần làm gì để học sinh hiểu những hành vi nào phù hợp và được chấp nhận.

Ví dụ: học sinh 8 tuổi có thể gặp khó khăn khi giữ tập trung trong thời gian dài hoặc những chủ đề mà các em không thích. Tuy nhiên, trẻ em trong lứa tuổi đó thường xuyên không thể giữ tập trung trong thời gian ngắn là có vấn đề. Trong thời kỳ này, giáo viên là hình mẫu quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của học sinh.

Lứa tuổi này có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển tâm lý trẻ em. Là thời kỳ quá độ từ trẻ con sang người lớn. Giai đoạn có sự phát triển đặc thù về mọi mặt: thể chất, trí lực, đạo đức, xã hội...

Mục tiêu chính của các chương trình nâng cao sức khoẻ tâm thần tại trường học là nhằm: Nâng cao khả năng quản lý cảm xúc của học sinh; nâng cao kỹ năng ứng phó và giải quyết vấn đề; tăng mức độ tham gia và hoàn thành trong các hoạt động học tập; giảm kỳ thị với vấn đề sức khoẻ tâm thần, bạo lực và bắt nạt học đường.

Các giải pháp nâng cao sức khỏe tâm thần trong trường học cũng được Bộ GD&ĐT đưa ra như: Tạo cơ hội cho học sinh được đưa ra quyết định; tạo môi trường tin tưởng, khoan dung, hợp tác và cảm thông; tạo môi trường thân thiện và lấy học sinh làm trung tâm; biểu dương các học sinh đạt thành tích và đoàn kết; xây dựng cơ sở vật chất, khu tập luyện thể chất để học sinh có thể luyện tập trong và ngoài giờ học; chương trình học, hoạt động giảng dạy và học tập; dạy cho học sinh biết tôn trọng và hiểu về sự đa dạng, khác biệt và riêng tư; tổ chức các hoạt động giáo dục để học sinh được học và thực hành các kỹ năng tâm lý - xã hội; chú ý nhu cầu học tập của từng học sinh; chú trọng tính tự chủ của học sinh bằng cách lắng nghe và tôn trọng...

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.