Sáng ngày 3/12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp chủ động ứng phó với diễn biến của bão Kammuri đang ở trên vùng biển phía Đông Philippines.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo cho biết, theo bản tin mới nhất của Trung tâm Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều tối ngày 3/12, Biển Đông đón bão số 7 mang tên Kammuri với cường độ mạnh. Theo dự báo, do tác động của không khí lạnh, cơn bão sẽ thay đổi chiều hướng. Ban chỉ đạo đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện công tác kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền của ngư dân.
“Đến nay, còn 1 tàu của ngư dân Quảng Nam (số hiệu QNA-91379 –TS) đang trong vùng ảnh hưởng của bão. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng liên lạc thông tin để ngư dân trên tàu biết và di chuyển đến nơi tránh trú an toàn”, ông Sơn cho biết.
Để chủ động ứng phó với cơn bão Kammuri, ông Sơn đề nghị, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa bản tin chính xác về đường đi tuyến đi của bão. Các phương tiện đai chúng đưa tin về bản tính của cơn bão và vùng ảnh hưởng chỉ đạo địa phương liên lạc với các thuyền trưởng về vùng ảnh hưởng của bão.
“Các đơn vị thông tin cho chính quyền, người dân trên các đảo, quần đảo Trường Sa và chiến sĩ trên nhà giàn có phương án với bão. Tàu thuyền neo đậu ở quần đảo Trường Sa cẩn thận, tránh hỏng hóc khi bão đổ bộ”, ông Sơn đề nghị.
Trước đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, vào 1 giờ sáng ngày 3/12, tâm bão ngay trên khu vực miền Trung Philippines với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 350km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và đi vào Biển Đông. Đến 01 giờ sáng mai (4/12), tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 630km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Nam Tây Nam và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới sau đó thành vùng áp thấp.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực phía Tây của Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9;, biển động mạnh.
Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động. Riêng vùng biển phía đông của bắc và giữa Biển Đông từ chiều tối nay (03/12) gió mạnh dần lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15, biển động dữ dội.