Vẫn chưa rõ lừa đảo hay chỉ là vay lãi

Vẫn chưa rõ lừa đảo hay chỉ là vay lãi
TP - Hôm qua, TAND TP Hà Nội mở lại phiên sơ thẩm xét xử Dương Thị Hường (SN 1965, ở phường Thượng Đình, Thanh Xuân) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bà Hường nguyên là GĐ Cty Chế biến XNK nông lâm sản Trường Sinh (trụ sở ở xã Yên Thường, Gia Lâm). Theo cáo trạng, từ 15 đến 20-10-2009, bị cáo Hường có hành vi gian dối, làm giả hợp đồng góp vốn đầu tư và quyền mua căn hộ dự án toà nhà chung cư TINCOM Pháp Vân, chiếm đoạt hơn 3,7 tỷ đồng của các bị hại.

Cụ thể, cơ quan chức năng xác định, chị Phan Thu Hà (ở quận Ba Đình) quen biết với Dương Thị Hường. Tháng 10-2009, bà Hường nói với chị Hà rằng Cty mình góp vốn với Cty CP Đầu tư và thương mại Thăng Long (chủ dự án nhà chung cư TINCOM Pháp Vân), do vậy Cty có quyền mua lại nhiều căn hộ chung cư ở dự án này.

Thấy thuận lợi, chị Hà đề xuất mua và có nhờ anh Hoàng Ngọc Hùng đến tìm hiểu. Anh Hùng quả quyết đã được xem bản "Hợp đồng góp vốn đầu tư và quyền mua căn hộ giữa Cty Trường Sinh và Cty CP đầu tư và Thương mại Thăng Long".

Sau đó, bà Hường đã ký 2 hợp đồng góp vốn đầu tư và quyền mua 2 căn hộ chung cư với anh Hùng, chị Hà, với giá hơn 1,8 tỷ đồng/căn…

Trái ngược với nội dung cáo trạng, trong suốt quá trình xét xử, bị cáo Hường khẳng định mình không đi ký kết với bất cứ Cty nào trong việc góp vốn mua bán chung cư. Điều này cũng khá phù hợp với điều tra từ phía cơ quan Viện kiểm sát khi khẳng định: "Cty Thăng Long không có bất cứ hợp tác nào với Cty Trường Sinh", và trong hồ sơ vụ án cũng không có bản hợp đồng này.

Bà Hường cho rằng, thực chất giữa bà và người nhà của các bị hại có mối quan hệ làm ăn và vay tiền nhau. Trước khi bị bắt, bà Hường còn nợ hơn 1 tỷ đồng, nhưng do tính lãi 4.000 đồng/ ngày/ triệu, nên số tiền được đẩy lên hơn 3,7 tỷ đồng (tương ứng số tiền mua 2 căn chung cư như cáo trạng đã thể hiện).

Tại phiên xử, HĐXX có quyết định triệu tập 3 bị hại và 2 nhân chứng, song một nhân chứng quan trọng là chị Phạm Ngọc Anh (kế toán Cty Trường Sinh) vắng mặt. Theo hồ sơ vụ án, chị Ngọc Anh đã từng khai nhận có một nhân vật thứ ba, thực chất là chủ nợ của GĐ Cty Trường Sinh giữ dấu của Cty.

Để bị cáo Hường làm được 2 bản hợp đồng góp vốn trên, "nhân vật thứ ba" sẽ mang dấu đến và đóng dấu hai bản hợp đồng đó. Ngoài ra, luật sư Đỗ Viết Hải bào chữa cho bị cáo Hường còn nêu nghi vấn: "Thật lạ, khi một người có học vấn, hiểu biết xã hội như bị hại Hùng lại đem một khoản tiền lớn để đặt niềm tin vào một mối quan hệ qua loa, mới quen biết. Rồi khi giao gần 2 tỷ đồng, hai bên không viết lấy một chữ biên nhận".

Với những tình tiết còn chưa được làm rõ trên, cộng với sự vắng mặt của nhân chứng quan trọng, luật sư Hải đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung, song đề nghị này không được chấp thuận.

Dự kiến hôm nay, Toà tuyên án.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.