Hiện nay nhóm thiện nguyện của chị Nguyễn Thị Tuyết đang triển khai hỗ trợ tiêu thụ vải Bắc Giang theo tiêu chuẩn Global Gap trên hai điểm: số 80 Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, HN) và số 70 lô 2 Đền Lừ (Hoàng Mai, HN). Thông qua những bài viết được chia sẻ trên mạng xã hội, người dân đã biết tới và đến đây để nếm thử những quả vải xuất Nhật.
Anh Nguyễn Trọng Đức (người dân tại Cầu Giấy) chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi thử quả vải này thấy mặc dù quả không to bằng những hàng khác nhưng vị ngọt thanh hơn, ngon hơn. Hiện tại tôi mua 10kg, nhưng chắc chắn tôi sẽ quay lại”.
Người dân Hà Nội hào hứng đến thử những quả vải được sản xuất theo quy trình Global Gap |
Chị Nguyễn Thanh Huyền (người dân tại Thanh Xuân) sau khi đi làm về, thấy trên đường có điểm bán vải với tiêu chuẩn Global Gap nên rẽ vào ăn thử. Chị Huyền chia sẻ: “Ban đầu thấy quả vải bé mà giá lại cao nên hơi ngại mua. Nhưng sau khi ăn thử, tôi thấy vị ngọt rất khác lạ so với những quả vải thông thường nên đã quyết định mua 5kg”.
Không chỉ có những người đến mua trực tiếp, các đơn hàng online cũng liên tục được shipper đến lấy. |
Giải thích về mẫu mã, độ ngọt của quả, ông Trần Văn Hành (Đại diện tổ chức sản xuất vải xuất Nhật, tại xã Giáp Sơn, Lục Ngạn) cho biết: “Vì chúng tôi làm theo tiêu chuẩn Global Gap khác với những sản phẩm được làm theo những cách trước đó. Các loại thuốc phun cho cây vải đều từ sản phẩm hữu cơ, không độc hại lâu dài, không lưu dẫn hay để lại tàn dư trên nông sản”.
Ông Hành cũng cho biết thêm, vì xuất khẩu theo quy trình khác nên mẫu mã không được sáng như quả vải được trồng theo cách của những năm trước kia. Chính vì vậy, đây cũng là một rào cản đối với người nông dân khi các thương lái Trung Quốc sang mua. Mẫu mã không sáng sẽ không được trả giá cao”.
Mặt hàng vải được trồng theo tiêu chuẩn Global Gap đang được người dân ưu chuộng và mua về dù giá thành có cao hơn các loại vải đang có ngoài các chợ dân sinh và siêu thị. |
Chị Vi Thị Minh (đại diện Hội Khuyến nông xã Giáp Sơn) cho biết: “Hiện nay với diện tích hơn 16,8ha của 21 hộ thử nghiệm trồng vải theo quy trình của Global Gap, tổng sản lượng của cả xã là 180 tấn, đã tiêu thụ được 40%, phần lớn phục vụ người dân trong nước. Các thương lái từ các tỉnh đến rất đông, họ đều đã đăng ký tại các điểm bán và phải có giấy xác nhận để đảm bảo xuất xứ, thương hiệu vải Bắc Giang”.
Sau ba ngày, nhóm chị Tuyết đã bán được 4 tấn vải. Không chỉ những người đến mua trực tiếp, những người mua hàng online cũng có rất nhiều những phản hồi tích cực về chất lượng quả vải. Những đơn hàng nườm nượp đến, chị Tuyết phải bố trí người để sắp hàng. Không dừng lại ở những túi vải đơn thuần, chị Tuyết cùng mọi người sắp vải thành những bó hoa, giỏ hoa cho ngày Tết Đoan Ngọ. Trong thời gian tới, chị Tuyết dự định sẽ triển khai chương trình mua vải ủng hộ quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19.
Không chỉ đơn thuần là những túi vải, nhóm thiện nguyện còn sắp xếp các quả vải thành các lãng hoa.
Đối với mặt hàng vải xuất Nhật, cần phải được phổ biến nhiều hơn đến với người tiêu dùng. Đặc biệt, họ cần hiểu được tuy mẫu mã của quả vải không bằng so với cách trồng kiểu cũ nhưng an toàn hơn rất nhiều”.