Chiếc vạc nặng khoảng một tấn, cao 79,8 cm, đường kính miệng 134,4 cm, đường kính đáy 115 cm. Miệng vạc hơi loe, thành miệng vát, đáy lồi. Bên trong có thể chứa cùng lúc 6-7 người. “Do kích cỡ chiếc vạc quá lớn nên bảo tàng cũng chưa đem cân lần nào, chỉ ước chừng nặng một tấn”, bà Bùi Thị Luận, Trưởng Phòng kiểm kê bảo quản (Bảo tàng Thanh Hóa) cho hay. Cũng do ngoại cỡ nên hiện vật chưa được trưng bày mà đang cất giữ trong kho. Mỗi lần di chuyển chiếc vạc đều phải dùng máy cẩu mới nhấc nổi.
Nổi bật trên miệng vạc là 6 chiếc quai hình chữ U trang trí kiểu vặn thừng, nằm cách đều nhau. Những chiếc quai rất chắc chắn, to như bắp tay, có thể luồn cả cây luồng để khiêng hoặc khi cần di chuyển vật dụng này.
Bên trong thành miệng tạo gờ; giữa tai quai trang trí các chấm tròn nổi tạo thành bông hoa 5 cánh (nhụy hoa là một chấm tròn to, cánh hoa là 5 chấm tròn nhỏ), được cho là hình bông hoa chanh.
Giữa các quai được thợ đúc trang trí hoa lá hình dây (gồm 4 cụm).
Trên miệng vạc còn có hai dòng minh văn chữ Hán đối xứng nhau, mỗi dòng gồm 11 chữ, nét nổi đậm, rõ ràng. Hai dòng chữ Hán trên miệng vạc giúp xác định niên đại và chủ nhân của chiếc vạc quý. Cụ thể, vạc được quan khâm sai huyện Cẩm Thủy Phạm Ngô Cầu cho khởi đúc ngày 28/11/1752, thời Lê Trung Hưng.
Dù có niên đại gần 300 năm nhưng chiếc vạc còn khá nguyên vẹn, chỉ có một vết lõm trên thân được cho là vết đạn trong chiến tranh.
Theo sử sách thì "vạc tượng trưng cho cơ nghiệp thiên tử", do đó việc một quan khâm sai huyện cho đúc chiếc vạc lớn gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, qua các ghi chép về nhân vật Phạm Ngô Cầu cho thấy, ông là người có tiếng nói rất quan trọng trong triều đình Lê - Trịnh bấy giờ. Vì vậy, việc ông cho đúc vạc lớn nhiều khả năng nhằm thể hiện uy lực cá nhân.