V-League phát triển chưa bền vững

CLB Hải Phòng sống dựa vào ngân sách tỉnh nhưng 2 năm liên tiếp không đạt chuẩn chuyên nghiệp. Ảnh: Anh Tú
CLB Hải Phòng sống dựa vào ngân sách tỉnh nhưng 2 năm liên tiếp không đạt chuẩn chuyên nghiệp. Ảnh: Anh Tú
TP - Mức độ phụ thuộc của các đội bóng vào ông bầu và ngân sách địa phương không hề giảm đi sau 20 năm giải bóng đá VÐQG, V-League phát triển theo hướng chuyên nghiệp.

Chỉ là công cụ

Trong nhiều trường hợp, đội bóng vì vậy chỉ là “công cụ” để các ông chủ đạt được những mục tiêu ngoài bóng đá, như bất động sản, đất đai hay cơ chế ưu đãi từ địa phương. Rất ít đội bóng tập trung kiếm tiền từ những sản phẩm bóng đá trực tiếp như vé, áo đấu, tài trợ… Khi lợi ích từ những dự án bên ngoài, các ông chủ lập tức có thể bỏ rơi đội bóng, hoặc “sang tay” cho người khác.

Có khá nhiều ví dụ cho những trường hợp như vậy. CLB Sài Gòn hiện nay vốn là đội Hà Nội B của bầu Hiển, được “chuyển khẩu” vào Tp Hồ Chí Minh khi giành quyền thăng hạng V-League. Thành tích của CLB Sài Gòn nhiều năm liền khá ổn định, cao nhất là vào tốp 5. Đầu mùa giải qua, CLB Sài Gòn đã được bán cho các ông chủ khác và tiếp tục thi đấu thành công với dàn quân cũ. Đội bóng của Chủ tịch kiêm HLV trưởng Vũ Tiến Thành cán đích ở vị trí thứ 3.

Tuy nhiên gần như ngay sau đó, đội bóng này thanh lý gần hết đội hình, đưa về một loạt cầu thủ trẻ và cả những ngoại binh đã luống tuổi như Đỗ Merlo hay Daisuke Matsui. Với cái “gốc” như vậy nên không khó hiểu, CLB Sài Gòn không thu hút được CĐV. Dĩ nhiên với một đội bóng như vậy thì nếu không có nguồn tiền từ các ông bầu, CLB Sài Gòn khó trụ nổi.

Một loạt đội bóng khác ở V-League chỉ “sống” được nhờ một phần nguồn hỗ trợ từ ngân sách các địa phương. Có thể kể tới SLNA, Thanh Hóa, Hải Phòng hay cả Quảng Nam, đội vừa rớt hạng mùa trước. Thanh Hóa mỗi năm đều được tỉnh chi hàng chục tỷ đồng nuôi đội bóng. Hải Phòng tương tự, cũng nằm trong số các CLB ở V-League sống chủ yếu nhờ “nguồn sữa” ngân sách tỉnh.

Chưa đội nào tự nuôi chính mình

Một quan chức bóng đá lâu năm chia sẻ với Tiền Phong, với thực trạng kinh tế và bóng đá hiện nay, việc các đội bóng V-League phải phụ thuộc vào nguồn tài chính từ ông bầu và địa phương là khó tránh khỏi. Nếu sòng phẳng đánh giá, chưa đội bóng nào có khả năng tự nuôi sống chính mình. Đơn cử như CLB Hà Nội ồn ào lâu nay nhưng vẫn nhờ sự chu cấp của bầu Hiển. Ban lãnh đạo mới của CLB Hà Nội khá năng động, đưa ra nhiều kế hoạch rất tham vọng. Tuy nhiên, hiệu quả thu về nếu xét ở khía cạnh tài chính còn rất hạn chế.

Một ví dụ dễ hình dung, giá trị “chạy sô” quảng cáo của tiền vệ Quang Hải thậm chí còn cao hơn các gói tài trợ của CLB Hà Nội mùa giải qua. Sau khi chia tay nhà tài trợ là một tập đoàn từ Thái Lan, CLB Hà Nội ký tài trợ chính với Bamboo Airways với giá trị theo nguồn tin riêng của Tiền Phong không quá 5 tỷ đồng, trong đó chủ yếu quy đổi ra sản phẩm. Thế nên khi CLB Hà Nội đưa ra quy định yêu cầu các cầu thủ chia thu nhập từ hoạt động quảng cáo trên trang cá nhân, nhiều người không khỏi bất ngờ. Tiền thu về từ vé, bán áo đấu…chỉ chiếm một phần nhỏ nguồn thu của đội bóng.

Thực trạng này không hề mới và đã được nhắc tới khá nhiều. Vấn đề là các CLB mặc dù vậy chưa có ý thức “nhúc nhích” để thay đổi. Dù ăn tiền ngân sách để hoạt động nhưng nhiều đội bóng làm kém, không hiệu quả, ví dụ rõ nhất chính là Hải Phòng. Dù Chủ tịch Trần Mạnh Hùng “làm quan” ở VPF nhưng CLB Hải Phòng 2 năm liền không đạt chuẩn chuyên nghiệp, sân bóng kém chất lượng, đào tạo trẻ yếu nếu không muốn nói không có gì. Thành tích của Hải Phòng các mùa giải qua không tốt dẫn tới CĐV cũng chán nản, không ủng hộ cuồng nhiệt như trước. Hải Phòng cũng là đội hiếm hoi ở V-League không tổ chức được hội cổ động viên bài bản dù người hâm mộ đất cảng rất yêu bóng đá.

Để V-League có thể phát triển hơn cần phải đi từ những vấn đề nhỏ, đơn cử như làm sạch nhà vệ sinh, sân vận động, chú trọng hơn tới truyền thông. Đối với những vấn đề này thì Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) hay VPF có lẽ cần có sự tư vấn cho đội bóng.   

Thế nên khi CLB Hà Nội đưa ra quy định yêu cầu các cầu thủ chia thu nhập từ hoạt động quảng cáo trên trang cá nhân, nhiều người không khỏi bất ngờ. Tiền thu về từ vé, bán áo đấu…chỉ chiếm một phần nhỏ nguồn thu của đội bóng.

MỚI - NÓNG