>> Ai lăng-xê Uyên Linh?
>> Chọn Uyên Linh: Cả BGK và khán giả đều “gà mờ”?
Với nhận xét trên nhạc sĩ Lê Minh Sơn ủng hộ nhận định của ca sĩ Thanh Lam về trường hợp giọng hát Uyên Linh - "Uyên Linh hát bình thường".
Uyên Linh trong giây phút đăng quang Thần tượng Âm nhạc Việt Nam
Rất quan tâm tới sự phát triển của âm nhạc nước nhà và bức xúc với một số cuộc thi ca nhạc gần đây trên truyền hình bởi “gọi là cuộc thi mà chỉ như liên hoan, giải trí, đẩy một tên tuổi con nhà người ta lên, sau đó không cần biết tương lai họ thế nào”, nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã có những chia sẻ với phóng viên VTC News về cái mà hiện nay công chúng đang nóng lên và gọi tên nó là: Hiện tượng Uyên Linh.
Chắc hẳn anh cũng có cùng quan điểm với NSƯT, ca sĩ Thanh Lam khi nhận xét về Uyên Linh?
Tôi có theo dõi những thông tin về âm nhạc gần đây và tôi nghĩ những đánh giá, nhận xét của Thanh Lam là rất thẳng thắn. Thanh Lam là ca sĩ đàn chị, lại là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề, cô ấy còn là một người có chuyên môn, chỉ cần nghe qua ba câu hát đã biết được những người trẻ làm được gì và đi đến đâu.
Cá nhân anh thì đánh giá thế nào về “hiện tượng” Uyên Linh?
Tôi nghĩ, trong cuộc sống không ai dạy bảo được ai, khuyên nhủ được ai hay, đúng, thú vị bằng chính những điều mà mỗi người phải trả giá khi trải nghiệm. Và, để nhận xét về một con người thật là khó. Bố mẹ mình ăn ở với nhau 40 năm, sinh cho nhau năm, mười người con mà có lúc còn chẳng hiểu nhau nữa là tự nhiên lại đi đánh giá về một người con gái không ăn cùng mâm, ngủ cùng giường với mình, không có sự giao thoa với nhau về tâm hồn. Lê Minh Sơn “hổng dám đâu”. Nhưng Lê Minh Sơn muốn mượn câu nói này, một câu nói mà dân yêu bóng đá đều biết, để nói về những gì là “hiện tượng”: Hiện tượng là nhất thời - Đẳng cấp là mãi mãi.
Vậy rõ ràng, anh không coi Uyên Linh là một "hiện tượng" như người ta đang tung hô?
Đúng vậy, song điều tôi quan tâm nhất là các cuộc thi. Theo tôi được biết và thấy thì chẳng có cuộc thi nào trên truyền hình được gọi là một cuộc thi cả, nó chỉ dừng lại ở mức độ liên hoan, giải trí. Mà đã là giải trí thì có rất nhiều sự lựa chọn khác nhau chứ không thật sự ở việc chọn ra một tài năng xứng đáng.
Riêng trường hợp Uyên Linh, tôi có thể nói thế này: tôi không biết cô ấy là ai nhưng nếu cô ấy là một thí sinh thắng cuộc trong một cuộc thi âm nhạc thì ngoài giải thưởng ra, tôi quan tâm tới việc sau đó cô ấy tỏa sáng thế nào: cô ấy sẽ đầu tư thế nào cho kỹ năng thanh nhạc, hình ảnh, chọn bài vở…? Hay tên tuổi cô ấy được nống lên, bỗng chốc lóe sáng tại cuộc thi rồi sau đó thích ra sao thì ra và hai năm sau lại mất hút, chìm nghỉm và một “hiện tượng” khác lại lóe lên. Cứ như vậy, nền âm nhạc VN có được “thắp” sáng mãi bằng công nghệ lăng-xê?
Với tôi, ở góc độ một nhạc sĩ, tôi nghĩ, tài năng và văn hóa hát của một ca sĩ nằm ở chính những bài hát mà ca sĩ đó chọn, dòng nhạc mà ca sĩ đó đi theo. Ở góc độ nhà sản xuất, tôi sẽ không làm việc với những ca sĩ không biết nốt nhạc, không học nhạc. Bởi vì bản năng có thể lóe lên nhưng chỉ hai năm sau thôi, không hiểu cái lóe đấy “lên” được bao lần?
Ở góc độ thằng đàn ông, tôi không có khái niệm về phụ nữ xấu hay đẹp, chỉ có phụ nữ hấp dẫn hoặc không hấp dẫn. Tôi không biết nhiều trong số rất nhiều ca sĩ trẻ hiện nay, nhưng ai đọc được đoạn phỏng vấn này, nên biết mình có những gì và không có gì để quyết định mình nên lựa chọn con đường nào cho sự nghiệp của mình một cách phù hợp. Nghệ thuật vốn rất khắc nghiệt mà.
- Nhưng anh không thể phủ nhận được sự thành công của VN Idol khi đã chọn được một người để trao vai trò “Thần tượng âm nhạc VN” với làn sóng tung hô của dư luận hiện nay, nhất là những người trẻ?
Bất cứ chương trình nào nhà tổ chức cũng biết đối tượng khán giả của mình nhắm đến là ai, mục đích của mình là gì và tôi nghĩ, về mặt truyền thông họ đã làm rất tốt. Họ đã có một chương trình phù hợp với tâm hồn, văn hóa với những người tham gia, người nghe, người xem của họ. Một chương trình “lãi” về mặt số đông nhưng với tôi, nó “lỗ” về mặt số ít.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn
Sướng nhất là… tự sướng
Nhân việc anh nói tới "số đông, số ít", xin hỏi một chút về đêm diễn "Guitar cho ta” của anh vào tối 1-1-2011 tại Nhà hát Lớn HN. Anh nghĩ rằng, anh sẽ “lãi” về mặt số ít nên không cần tới nhà tài trợ cho đêm diễn?
Tôi biết, kiếm một đồng tiền rất khó và làm nghệ thuật cũng rất nhọc nhằn nên tôi sẵn sàng cúi xuống đất nhặt một đồng tiền rơi để làm nghệ thuật. Song tôi sẵn sàng từ bỏ một tỷ người ta “đánh rơi” vào tay mình mà chẳng nhằm vào việc làm nghệ thuật. Tôi trân trọng từng khán giả bỏ tiền túi ra mua vé chương trình của tôi. Làm đêm nhạc ai mà chẳng cần tiền tài trợ, nói không cần là nói phét, không trung thực. Cần lắm những nhà tài trợ có văn hóa, cần lắm những người nghe có văn hóa nghe.
Tôi không bao giờ hoang tưởng khi nghĩ rằng âm nhạc của mình vĩ đại hay được tất cả mọi người yêu quý. Mới ư? Cũ ư, hay ư, dở ư, chẳng quan trọng với cá nhân tôi, chỉ biết rằng, khi tiếng đàn của Lê Minh Sơn vang lên, những câu hát của Lê Minh Sơn vang lên, động chạm tới một miền nào đó của những khán giả có cùng gu thẩm mỹ, cùng phông văn hóa với mình.
Lâu nay không thấy anh xuất hiện chắc hẳn thời gian qua anh ngừng các dự án âm nhạc lại, lo kinh doanh kiếm tiền tự làm show?
Với tôi, giỏi phải chiến đấu với nghề, sống kiêu hãnh được bằng nghề. Cái giỏi bây giờ khác ngày xưa: không thể nói ta giỏi mà không ai biết đến ta. Mỗi vùng đất, mỗi miền có đặc sản khác nhau. Nghệ thuật, âm nhạc cũng vậy, Sơn sống với đồng bằng bắc bộ, với rét mướt vùng cao, nó ngấm vào tâm hồn mình, vào tác phẩm của mình, nó lay động những tâm hồn đồng điệu với mình và họ chính là khán giả của tôi, mong được nghe những tác phẩm của tôi. Họ không tiếc tiền mua vé để chia sẻ niềm sung sướng khi được nghe những tác phẩm phù hợp với tâm hồn mình và họ chính là những nhà tài trợ của Sơn.
Chính bởi thế, Sơn không phải kinh doanh gì ngoài việc đầu tư thời gian cho việc… “tự sướng”: tự sáng tác những tác phẩm của mình, thưởng thức chúng. Ngẫm cho cùng, “tự sướng” là sướng nhất vì mệnh của người làm Nghệ thuật, khi viết, mình phải sướng trước, sướng đến kiệt cùng thì may ra sẽ có một vài người sướng theo mình.
Năm vừa rồi tôi cũng làm khá nhiều đấy chứ: đầu năm ra một CD có tựa đề Một khúc sông Hồng, tháng bảy vừa qua làm chương trình Con đường âm nhạc và ngày 1-1-2010 là đêm nhạc Guitar cho ta tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Đầu tư làm một đêm nhạc chắc hẳn không đơn giản trong thời điểm này, anh có lo rằng, nếu anh “lãi” về mặt số ít khán giả thì anh sẽ “lỗ” nặng về tài chính?
Có thể khoe là tới thời điểm này số vé Sơn bán ra đã có lãi. Nhưng Sơn không quan tâm tới điều đó bằng việc mình được sung sướng làm những gì mình yêu thích trong không gian âm nhạc của mình, bên cạnh những người bạn mà mình lựa chọn. Sơn còn nhớ một câu chuyện về một người bạn thân của mình: thời sinh viên, anh ấy có lần khoe với bố: bố ạ, có rất nhiều bạn gái thích con. Ông bố cậu đủng đỉnh nói: Phụ nữ nào mới là quan trọng. Câu nói của ông cụ đã ám ảnh tôi tới tận bây giờ, mỗi khi đứng trên sân khấu, tôi thầm nghĩ: ồ, khán giả nào mới là quan trọng. Khi mình đã ý thức được khán giả của mình là ai thì những sản phẩm của mình phải đạt đến tầm của những khán giả đó.
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Theo Thục Nhi
VTC