Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Băn khoăn tăng giờ làm thêm

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh
TP - Phó Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu tiếp tục kiến nghị tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm vào dịp Quốc khánh. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần đánh giá tác động của việc nghỉ thêm đối với lao động, sản xuất, đời sống công nhân. Trong khi đó, nhiều ý kiến tại UBTVQH băn khoăn việc tăng giờ làm thêm.

Ðề xuất nghỉ từ 2-5/9

Sáng 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo dự thảo trình lần này, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong 10 ngày lễ, tết.

Trong đó, đợt nghỉ nhiều nhất là Tết Âm lịch với 5 ngày, còn lại là Tết Dương lịch 1/1, ngày Chiến thắng 30/4, Quốc tế Lao động 1/5, Quốc khánh 2/9 và Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch. Đối với lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ngoài các ngày nghỉ trên còn được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền dân tộc và một ngày Quốc khánh của nước họ.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu tiếp tục kiến nghị tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm vào dịp Quốc khánh, từ 2 - 5/9, để giúp các gia đình trẻ, công nhân được đưa con đến trường vào ngày đầu năm học nới. “Cả năm học nhiều công nhân không có thời gian đưa con đi học ngày nào. Ngày nghỉ của Việt Nam đang thấp so với các nước trong khu vực. Với tư cách là thành viên Ban soạn thảo, chúng tôi đã đề xuất nội dung này từ lâu nhưng rất tiếc chưa được đưa vào dự thảo”, ông Hiểu nói.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Băn khoăn tăng giờ làm thêm ảnh 1 Phó Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Như Ý

“Dự thảo có bảo lưu đề xuất của Chính phủ trước đây là có thêm ngày nghỉ để người lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động không? Chúng ta có thể đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, của đại biểu về việc chọn ngày toàn dân đưa trẻ đến trường hoặc ngày Gia đình Việt Nam”.

Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện

Đồng tình tăng ngày nghỉ trong năm, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội từng đề xuất thêm một ngày nghỉ lễ vào dịp 27/7, tuy nhiên, nhiều đại biểu không đồng tình, nên đã rút đề xuất. “Dù không chọn ngày 27/7, vậy dự thảo có bảo lưu đề xuất của Chính phủ trước đây là thêm ngày nghỉ để người lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động không? Chúng ta có thể đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, của đại biểu về việc chọn ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường hoặc Ngày gia đình Việt Nam”, bà Hải đề xuất.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Cần phải có đánh giá tác động của việc nghỉ thêm ba ngày trong năm, xem ảnh hưởng đến lao động, sản xuất và cuộc sống của công nhân như thế nào”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá, đề xuất này nếu được thông qua sẽ tác động mạnh đến xã hội nên cần cân nhắc.

Hai phương án tăng giờ làm thêm

Một vấn đề trọng tâm khác tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau là việc mở rộng khung giờ làm thêm tối đa. Theo phương án Chính phủ trình, khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa sẽ là 400 giờ/năm, tức tăng 100 giờ so với quy định hiện hành. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, nội dung này vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau, nên Thường trực Ủy ban đề xuất 2 phương án.

Phương án 1, giữ như quy định hiện hành, bổ sung nâng quy định khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ. Phương án 2, nâng số giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ trong một năm. Theo bà Thuý Anh, đa số ý kiến thành viên trong Ủy ban nhất quán quan điểm “không tán thành tăng thời giờ làm thêm, dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nói: “Những nơi khác họ giảm thời gian lao động nhưng vẫn đảm bảo đời sống, y tế, chăm sóc sức khỏe và các mặt khác. Chúng ta cũng phải phấn đấu như thế, chứ không phải tăng thời gian làm thêm”.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, nếu đi làm liên tục, tăng ca thì sẽ gây áp lực lên đời sống công nhân; họ không được thụ hưởng thành quả của xã hội do chính họ góp phần làm nên. Theo bà, những vụ bạo lực gia đình, sự xuống cấp của xã hội một phần có nguồn gốc từ lao động quá sức.

Trong khi nhiều đại biểu thể hiện quan điểm không đồng tình, Chính phủ vẫn “tha thiết” phương án tăng giờ làm thêm, nên Chủ tịch Quốc hội đề nghị trình cả hai phương án ra Quốc hội tại phiên họp tới đây.

MỚI - NÓNG