Uỷ ban Kiểm tra TW yêu cầu kỷ luật một số cán bộ

Uỷ ban Kiểm tra TW yêu cầu kỷ luật một số cán bộ
Từ ngày 2 đến 11/7/2013, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI đã họp kỳ thứ 20.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ngô Văn Dụ chủ trì Hội nghị.

Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thống nhất kết luận và giải quyết nhiều nội dung quan trọng liên quan đến thẩm quyền của Ủy ban.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đối với Ban Thường vụ và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy các tỉnh: Bắc Kạn, Bắc Giang, Nam Định, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Long An và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương:

Về ưu điểm, Ban Thường vụ và Ủy ban Kiểm tra các đơn vị được kiểm tra đã tổ chức quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, nhất là sau kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra đã thực hiện khá toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.

Các cuộc kiểm tra, giám sát tăng về số lượng, chất lượng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục; kịp thời xem xét, giải quyết tố cáo và xử lý những vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên.

Việc phối hợp với các cơ quan liên quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng có nền nếp. Chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn Ủy ban Kiểm tra các cấp, tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban Kiểm tra các cấp; xây dựng, củng cố cơ sở vất chất… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Về hạn chế, khuyết điểm, một số nơi chưa thực hiện giám sát chuyên đề đối với đảng viên; chưa quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát; có cấp ủy chưa chủ trì tổ chức tổng kết công tác kiểm tra, giám sát. Việc giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại có lúc, có việc còn chưa dứt điểm; có cuộc kiểm tra, giám sát nội dung dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm. Hiệu quả phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng còn hạn chế.

Việc chủ động phát hiện, quyết định kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên, cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm chưa đúng với tình hình vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên hiện nay; có đơn vị chưa kiểm tra tài chính đối với cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp. Chất lượng, hiệu quả giám sát còn hạn chế; có trường hợp xử lý kỷ luật đảng viên chưa bảo đảm quy trình, chưa tương xứng với vi phạm…

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu các tổ chức đảng nói trên khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm. Các tổ chức đảng tăng cường kiểm tra, giám sát đảng viên và cấp ủy viên cùng cấp và đảng viên diện cấp ủy quản lý; đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các kết luận kiểm tra, giám sát; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra các cấp; đẩy mạnh tuyên truyền về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng…

Cũng tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra tài chính đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, Nghệ An.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh trên đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tài chính, tài sản của Đảng; ban hành và chỉ đạo ban hành nhiều văn bản, quy định về quản lý tài chính, tài sản của Đảng bộ; chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức kiểm tra tài chính đảng, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị.

Tuy nhiên, trong chỉ đạo chưa thường xuyên, kịp thời cụ thể hóa cơ chế quản lý tài chính đảng; chưa có biện pháp quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng bảo đảm kinh phí hoạt động cho các tổ chức cơ sở đảng, nhất là cấp xã, phường; có trường hợp chưa thực hiện đúng quy định về cơ chế quản lý tài chính, tài sản đảng; chưa quan tâm đúng mức việc kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm quá trình triển khai các quy định về quản lý tài chính đảng… Các đơn vị được kiểm tra có khoản thu, chi chưa đúng chế độ.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, Khánh Hòa rút kinh nghiệm về những khuyết điểm, hạn chế đã chỉ ra; chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tăng cường kiểm tra, giám sát tài chính, nhất là đối với cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp.

Cụ thể hóa, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý tài chính, tài sản đảng; thực hiện đầy đủ chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính trong các cơ quan khối đảng cấp tỉnh và huyện; nghiên cứu chuyển đổi mô hình, cơ chế hoạt động của Nhà khách Tỉnh ủy, Nhà in Báo Nghệ An; thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản đảng; xem xét, xử lý, chỉ đạo xử lý các khoản chi chưa đúng quy định.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh và ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng.

Theo đó, Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng chậm xây dựng, bổ sung quy chế làm việc của Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh sau mỗi nhiệm kỳ; tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chưa kịp thời; lãnh đạo việc phân công nhiệm vụ còn chồng chéo. Trong việc chấp thuận chủ trương cho Công ty Satraco đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu du lịch gần chùa Dơi, Ban Cán sự đảng chưa lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh lập hồ sơ di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa; chưa xin ý kiến Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và không báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy là vi phạm Quy chế làm việc của Tỉnh ủy.

Ông Nguyễn Trung Hiếu chưa chỉ đạo Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh kịp thời xây dựng và bổ sung quy chế làm việc của Ban cán sự đảng và của Ủy ban Nhân dân tỉnh; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nội bộ Ủy ban Nhân dân tỉnh; vi phạm Quy chế làm việc của Tỉnh ủy trong việc cho chủ trương đầu tư dự án khu du lịch, nhà hàng, khách sạn gần chùa Dơi; thiếu kiểm tra, để xảy ra sai phạm trong việc thực hiện dự án, gây dự luận xấu; cho ý kiến về việc xử lý vi phạm khai thác cát trái phép không đúng thẩm quyền…

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng chỉ đạo Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh và ông Nguyễn Trung Hiếu, những tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên.

Tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, quyết định và đề nghị thi hành kỷ luật đối với các đảng viên:

Ông Nguyễn Đình Nhương, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh: Từ năm 2003-2010, với trách nhiệm là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, ông Nhương đã vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng đất, nhất là trong việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; thiếu kiểm tra, đôn đốc để tình trạng vi phạm Luật Đất đai không được khắc phục; vi phạm trong công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, ngân sách huyện; buông lỏng công tác quản lý đầu tư xây dựng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật ông Nguyễn Đình Nhương theo thẩm quyền.

Ông Đào Tấn Nguyên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên: Vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống của người cán bộ lãnh đạo; thực hiện không đúng quy định về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, vi phạm quy chế làm việc, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây dư luận không tốt tại địa phương.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương thống nhất đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật cách chức Tỉnh ủy viên đối với ông Đào Tấn Nguyên.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, xử lý kỷ luật đối với các ông: Nguyễn Huy Dự, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Điện Biên Phủ; Nguyễn Đức Đuyện, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Điện Biên Phủ; Nguyễn Quang Sáng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Điện Biên Phủ.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật 3 cán bộ trên bằng hình thức khiển trách, vì đã vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.

Ông Nguyễn Thành Tẩm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh: Thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, dẫn đến Ban quản lý dự án thành phố có những vi phạm trong thực hiện quy chế quản lý đẩu tư xây dựng cơ bản; vi phạm quy định trong việc quản lý tài chính.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Thành Tẩm.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận giải quyết tố cáo đối với các đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý:

Ông Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương: Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, đơn tố cáo ông Vũ Văn Sơn nghỉ ốm dài ngày năm 2008, vẫn được công nhận là đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là có thật.

Nội dung tố cáo “khai hồ sơ có 3 năm sinh (1957, 1958, 1959)”, qua kiểm tra, hồ sơ cán bộ, đảng viên của ông Vũ Văn Sơn có hai năm sinh (1958 và 1959). Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu ông Vũ Văn Sơn nghiêm túc rút kinh nghiệm việc bỏ phiếu đề nghị xếp loại đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong khi bản thân nghỉ công tác dài ngày trong năm.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương chỉ đạo cơ quan tư pháp của tỉnh cùng ông Vũ Văn Sơn thực hiện các thủ tục pháp lý để thống nhất một năm sinh trong hồ sơ của ông theo quy định.

Ông Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Đơn tố cáo ông Hà Hùng Cường ký quyết định bổ nhiệm một cán bộ thuộc cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận theo đề nghị của Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự không đúng quy định là có cơ sở. Các nội dung khác không có cơ sở kết luận.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu ông Hà Hùng Cường kiểm điểm rút kinh nghiệm trước Ban cán sự đảng; yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp chỉ đạo kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan; lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp cấp có thẩm quyền miễn nhiệm chức vụ đối với trường hợp bổ nhiệm không đúng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức kiểm điểm các ông: Huỳnh Tấn Thành, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận; Võ Duy Quang, Tỉnh ủy viên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận, nguyên Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh do liên quan đến vụ việc trên. Quá trình kiểm điểm, nếu tổ chức, cá nhân có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm minh.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, cho ý kiến và kết luận giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với các đảng viên:

Ủy ban Kiểm tra Trung ương thảo luận, cho ý kiến đối với báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh của Đoàn giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của Ban Bí thư đối với bà Lương Thị Cẩm Sự, nguyên Đảng ủy viên, Phó Bí thư Chi bộ Hành chính, Điều dưỡng trưởng Khoa Sản, Bệnh viện đa khoa huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định xóa hình thức kỷ luật khiển trách đối với bà Dương Thị Anh Tài, thuộc Đảng bộ Công an tỉnh Quảng Trị; giữ nguyên hình thức kỷ luật cách chức Bí thư Chi bộ đối với ông Phạm Trọng Nhã, thuộc Đảng bộ xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thảo luận, quyết định ban hành hoặc lấy thêm ý kiến để ban hành một số văn bản nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng.

Theo TTXVN

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG