Tổ công tác dừng kiểm tra phương tiện. |
Ghi nhận của phóng viên, khoảng hơn 13h cùng ngày tại ngã tư Lê Đức Thọ - Nguyễn Hoàng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Hà Nội) ra quân xử lý các trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.
Chỉ trong thời gian ngắn, tổ công tác xử lý nhiều trường hợp tài xế ô tô, xe máy vi phạm nồng độ cồn, trong đó một số trường hợp tài xế vi phạm ở mức rất cao.
Điển hình, khoảng 14h20, tổ công tác dừng xe Mercedes BKS 30A di chuyển hướng Lê Đức Thọ đi Mai Dịch do tài xế L.Q.H (trú tại Hà Nội) điều khiển. Khi kiểm tra nồng độ cồn tài xế H. cho kết quả 0.363 mg/L khí thở.
Tương tự, lúc 14h, tổ công tác kiểm tra nồng độ cồn của anh N.T.K (trú tại Hà Nội) điều khiển xe máy BKS 29P1 cho kết quả 0.212 mg/L khí thở.
Nam tài xế D. |
Trần tình về lỗi vi phạm, một nam tài xế tên Đ.Q.D cho biết, bản thân làm công nhân lao động, buổi trưa có uống lon bia, đến chiều đi làm thì bị tổ công tác dừng kiểm tra.
“Tôi biết là uống bia rượu khi tham gia giao thông là vi phạm nhưng vì thói quen nên cũng uống một 1 lon bia rồi nghỉ ngơi và không nghĩ là bị lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn” - ông D. trình bày.
Thiếu tá Trần Quang Chinh - Đội phó Đội CSGT đường bộ số 6 cho biết, tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu bia vẫn còn tái diễn, do đó, ngoài việc tuần tra xử lý vi phạm thì đơn vị cũng thường xuyên lập chốt xử lý nồng độ cồn trên toàn địa bàn.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với lực lượng công an phường, quận tổ chức tuyên truyền tại nhà hàng, quán ăn về luật giao thông “Khi đã sử dụng rượu bia thì không điều khiển phương tiện tham gia giao thông” nhằm đảm bảo cho chính bản thân họ và những người xung quanh.
Thiếu tá Trần Quang Chinh - Đội phó Đội CSGT đường bộ số 6. |
Theo thiếu tá Chinh, đối với nhà hàng cũng phải có trách nhiệm với khách hàng là đảm bảo cho họ khi đã sử dụng rượu bia được an toàn trong lúc đi lại. Nếu phát hiện khách hàng sử dụng rượu bia mà cố tình điều khiển phương tiện cá nhân thì phải có biện pháp ngăn chặn như liên hệ dịch vụ xe ôm, taxi đưa về nhà tránh xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc.
Phương tiện vi phạm bị tạm giữ 7 ngày. |
Thiếu tá Chinh thông tin thêm, trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn gặp rất nhiều khó khăn như có tình trạng “báo chốt”, do đó lực lượng chức năng phải linh hoạt, thường xuyên đổi địa điểm tránh việc người ở nhà hàng thông báo cho khách đi đường khác để không bị xử phạt.
Hoặc một số trường hợp người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia còn cố tình bỏ chạy, chống đối. Đối với các trường hợp này đều bị xử lý nghiêm các và cán bộ chiến sĩ sẽ tuyên truyền cho họ nắm được hành vi vi phạm của mình.
Tổ công tác xử lý nhiều trường hợp người điều khiển xe máy, ô tô vi phạm. |
“Khi người dân phát hiện tài xế xe máy, ô tô có biểu hiện không bình thường hay sử dụng rượu bia gây nguy hiểm cho người xung quanh thì cần thông báo tới đường dây nóng của các đơn vị CSGT, cũng như của Hà Nội để tiếp nhận kịp thời nhằm ngăn chặn những vụ tai nạn không đáng có xảy ra” - thiếu tá Trần Quang Chinh nói.