Ươm mầm trên đảo Cồn Cỏ

Cô giáo Hoàng Thị Hiếu truyền dạy con chữ đầu tiên cho nhiều trẻ nhỏ trên đảo Cồn Cỏ. Ảnh: Xuân Tùng.
Cô giáo Hoàng Thị Hiếu truyền dạy con chữ đầu tiên cho nhiều trẻ nhỏ trên đảo Cồn Cỏ. Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Tình nguyện ra đảo thanh niên Cồn Cỏ (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), ở lứa tuổi mười tám đôi mươi, hai cô giáo Hoàng Thị Hiếu và Hoàng Thị Thắm đã có gần 10 năm gắn bó công việc ươm mầm thế hệ măng non của đảo.

Kiên cường nơi đảo trẻ

Đang giảng dạy tại đất liền, năm 2008 hai cô giáo trẻ Hoàng Thị Thắm (SN 1984) và Hoàng Thị Hiếu (SN 1987) xung phong ra đảo. Cô Thắm từng dạy ở trường mầm non Bình Minh, thị trấn Cửa Tùng; cô Hiếu dạy mầm non ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Cô Hiếu kể, quê gốc ở Quảng Trị, nhưng sinh ra và lớn lên ở Đắk Lắk.

Trong thời gian học năm cuối sư phạm mầm non, cô biết thông tin tỉnh Quảng Trị có chương trình thanh niên tình nguyện ra đảo Cồn Cỏ lập nghiệp sinh sống. “Thấy mình tuổi trẻ cần phải đến những nơi khó khăn để khai hoang, lập nghiệp nên tôi đăng ký. Đến cuối năm 2008, tôi đủ điều kiện và nhận quyết định công tác ngoài đảo”.

Những ngày đầu lên đảo, hai cô đều ngỡ ngàng trước sự hoang vu, thiếu thốn trên đảo. Điện chưa có, nước ngọt chủ yếu trông chờ vào nguồn nước mưa, trong khi mưa rất hiếm hoi trên đảo. Cô Thắm tâm sự: “Có những lúc muốn bỏ vào đất liền vì sống trên đảo cực quá, lại cô quạnh, trống vắng. Rồi tự động viên bản thân rằng, các chị thanh niên xung phong ra xây dựng đảo còn khổ cực hơn nhiều”. Hòa nhập cuộc sống và từng ngày cùng các cháu nhỏ trên đảo tiếp thêm nghị lực để hai cô bám đảo.

“Tôi từng muốn bỏ nơi này để vào đất liền, nhưng vì tình yêu trẻ thơ và thấy các cháu quá thiệt thòi nên tự nhủ mình phải cố gắng bù đắp, cố gắng mang lại cái chữ, tiếng hát cho các cháu nơi đảo nhỏ Cồn Cỏ”. 

 Hoàng Thị Thắm

Chính từ tình yêu con trẻ, hai cô đều tìm được hạnh phúc, xây dựng gia đình trên đảo. Tuy nhiên, vì đặc thù công việc của chồng công tác xa nhà hay điều kiện gia đình mà người ở đảo, người ở đất liền, hai cô vẫn vừa đảm việc nhà, chăm con vừa lên lớp nuôi dạy trẻ. Với cô Hiếu, kỷ niệm khó quên nhất là lần bụng mang dạ chửa chạy bão trên đảo, còn chồng và con nhỏ đã vào đất liền trước đó để lo việc cho gia đình.

“Đang có bầu, lại công tác nữa nên tôi ở lại trên đảo. Bão qua, nhìn thấy lớp học mầm non sập hoàn toàn, nhà tốc mái tôi chỉ biết đứng khóc. Những ngày đó, tôi phải kê bếp ga trong phòng vệ sinh để nấu nướng, kê giường ở  chái nhà qua đêm. May có lực lượng thanh niên và bộ đội giúp sửa sang lại”, cô Hiếu kể. Hiện nay, hai cô đang ở tạm trong căn nhà cấp 4 thuộc khu dân cư thanh niên Cồn Cỏ. Cô Hiếu chia sẻ thêm: “Khi ra đảo theo tiếng gọi của tuổi trẻ, tinh thần xung phong cống hiến bừng bừng, giờ có gia đình mới nghĩ tới con cái sinh ra, lớn lên trên đảo thiệt thòi như thế nào”.

Tuy nhiên, cả hai cô đều chưa có ý định quay về đất liền. Cô Thắm cho hay đã quen và yêu nhịp sống trên đảo. Còn cô Hiếu bảo: “Ở đảo cũng như ở nhà. Tôi luôn muốn truyền dạy con chữ và nhân cách cho con trẻ để khi vào đất liền, các cháu tự tin, yên tâm học tập”. Và hai cô giáo trẻ này tin rằng: “Cùng với sự phát triển của đảo, Trường mầm non - Tiểu học Hoa Phong Ba sẽ nở đầy hoa, thế hệ các cháu sẽ tiếp bước cha ông, bảo vệ biển đảo quê hương của Tổ quốc”.

Ươm mầm trên đảo Cồn Cỏ ảnh 1

Cô giáo Hoàng Thị Thắm trong giờ kể truyện cho các cháu. Ảnh: Xuân Tùng.

Có thêm cấp học mới

Trong căn phòng học rộng rãi của mái trường khang trang vững chãi, hai cô giáo cho hay: Đây là công trình Trường mầm non – Tiểu học Hoa Phong Ba được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tặng cuối năm 2015. Trước đó, lớp mầm non Hoa Phong Ba chỉ có một phòng học đơn sơ, thiếu thốn đồ dùng dạy học và bị bão đánh sập thành đống đổ nát. “Những ngày sau bão, cô trò dạy và học tạm ở nhà ăn tập thể của Tổng đội thanh niên xây dựng suốt hai năm” - cô Hiếu nói.

Hiện nay, lớp mầm non Hoa Phong Ba có một lớp học gồm 11 cháu, là lớp ghép nhiều độ tuổi từ 1-5 tuổi. Theo cô Thắm và cô Hiếu, giờ đây cơ sở vật chất trường học đã được cải thiện, tuy vẫn còn thiếu thốn đồ dụng dạy và học như đồ chơi cho trẻ, sách vở... Điều mà hai cô giáo - hai người mẹ có con nhỏ trên đảo mong mỏi nhất là Cồn Cỏ có thêm cấp học mới để các cháu được ở bên cạnh bố mẹ chăm sóc. 

Hiện tại, không ít gia đình có hoàn cảnh như cô Hiếu, cô Thắm là con lớn đến tuổi vào lớp học lớp 1 phải gửi người thân ở đất liền chăm nom. “Hai vợ chồng tôi đều công tác ngoài đảo, cháu lớn học lớp 1 thì phải vào bờ học ở với ông bà đã cao tuổi. Chồng tôi cứ phải đi ra đi vô đất liền để ở bên cạnh cháu. Mùa hè còn thuận, mùa đông sóng to gió lớn muốn thăm con, hay chăm bố mẹ lúc ốm đau... chẳng biết thế nào”, cô Hiếu ngậm ngùi.

Các cô giáo Cồn Cỏ mong muốn tổ chức được lớp ăn bán trú cho các cháu, quan tâm hơn vấn đề y tế đối với trẻ nhỏ. “Hiện trung tâm y tế mới đã đi vào hoạt động, nhưng thuốc men chủ yếu dành cho người lớn, chứ chưa có nhiều thuốc riêng cho các cháu. Các con có vấn đề gì thì rất là khó, nhất là trong mùa mưa bão”, cô Thắm nói.

Cô giáo Hoàng Thị Thắm và Hoàng Thị Hiếu là hai trong số 42 giáo viên đang công tác tại hải đảo được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016”. Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Bộ GD&ĐT, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức nhằm tuyên dương những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. 

MỚI - NÓNG