Gieo chữ ngoài đảo xa

Cô Nguyễn Thị Hợi có nhiều đóng góp trong công tác giảng dạy, rèn đội tuyển học sinh giỏi của trường PTCS Bản Sen. Ảnh: Xuân Tùng.
Cô Nguyễn Thị Hợi có nhiều đóng góp trong công tác giảng dạy, rèn đội tuyển học sinh giỏi của trường PTCS Bản Sen. Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Giữa trập trùng sóng nước biển khơi, cô giáo Nguyễn Thị Hợi và thầy giáo Lưu Thế Sơn có thâm niên hàng chục năm vượt khó để “cắm đảo” truyền dạy kiến thức cho nhiều thế hệ học sinh xã đảo ở huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.

Cắm đảo gieo chữ

Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi theo đoàn công tác Ban tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016” đến thăm điểm trường tại xã đảo huyện Vân Đồn. Từ cảng Cái Rồng đến xã đảo Bản Sen – nơi cô Nguyễn Thị Hợi đang công tác hay đến xã đảo Ngọc Vừng – nơi thầy Lưu Thế Sơn giảng dạy đều mất hơn một giờ đồng hồ ngồi tàu cao tốc. Thật khó để hình dung những khó khăn, thiếu thốn của người dân trên đảo cũng như công sức và tâm huyết của những giáo viên đất liền vượt sóng ra đảo giảng dạy.

Trong 29 năm giảng dạy, cô Nguyễn Thị Hợi (SN 1966) - giáo viên trường PTCS Bản Sen đã gần chục năm gắn bó với trường lớp xã đảo Bản Sen. Trước đây, để đến với Bản Sen, phải mất hàng giờ đồng hồ lênh đênh trên biển và đi bộ khoảng 3km đường rừng núi. Kể về ngày đầu ra đảo, cô Hợi cho hay, điện lưới chưa có, nước sạch khan hiếm, cơ sở vật chất trường lớp nghèo nàn, thiếu thốn, đời sống giáo viên khó khăn. Xã không có chợ nên đầu tuần quay lại đảo công tác, lại mang theo gạo và thức ăn dự trữ cho cả tuần. Điều kiện thời tiết ngoài đảo khắc nghiệt, mùa đông lạnh cắt da cắt thịt; mùa hè oi bức, nhiều muỗi. Để cải thiện đời sống, sau những giờ lên lớp, các giáo viên “cắm đảo” lại tham gia tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi gà, vịt.

Bên cạnh thiếu thốn về vật chất, những giáo viên ngoài đảo như cô Hợi còn vượt qua nỗi buồn xa gia đình nơi đất liền. “Gia đình tôi chỉ đông đủ 4 thành viên là vào mấy ngày Tết. Bốn người ở bốn nơi khác nhau khiến nhiều lúc tôi nhớ nhà, nhớ con vô cùng. Nhưng gắn bó với học sinh xã đảo nhiều năm, tôi cũng không nỡ rời các em. Mỗi ngày nhìn học sinh đến trường, tôi lại coi đó là niềm hạnh phúc để vươn lên”, cô Hợi nói.

Càng gắn bó với nghề và học trò trên xã đảo, cô Hợi càng day dứt hơn khi nhiều trò bỏ lớp để đi biển từ rất sớm. Vì học trò, cô đã nhiều lần xuống các thôn, xóm để tuyên truyền, vận động các em quay lại trường. Thuyết phục gia đình đồng ý để các em tiếp tục tới lớp học chữ. “Tôi chỉ mong học sinh xã đảo được đầu tư nhiều hơn nữa về trang thiết bị, cơ sở vật chất, có điều kiện để tiếp xúc nhiều hơn với khoa học. Học sinh ngoài đảo nhút nhát, thiệt thòi nhiều thứ lắm”, cô Hợi tâm sự.

Không chỉ gắn bó giảng dạy truyền kiến thức cho nhiều thế hệ học sinh, cô Hợi còn hướng dẫn học sinh thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh và hướng dẫn làm đề tài khoa học. Vì giảng dạy bộ môn Hóa - Địa nên cô Hợi thường xuyên tổ chức cho học sinh ôn thi học sinh giỏi các cấp. Cô còn là người sáng tạo ra nhiều hoạt động ngoại khóa thú vị cho học sinh. Điển hình, việc cô và các em học sinh mới thực hiện đề tài “Quảng bá tiềm năng du lịch xã đảo Bản Sen”. Suốt hai tháng, cô và học trò thuê người đưa đến các hang động trên đảo để đo đạc, ghi chép và chụp ảnh. Công trình này đã đạt giải Ba cấp huyện, với ý nghĩa thực tiễn lớn, có thể ứng dụng để tăng cường phát triển du lịch địa phương, phát triển kinh tế.

Cô Hoàng Thúy Phương, Hiệu trưởng trường PTCS Bản Sen cho biết: “Cô Hợi là người tích cực giáo dục cho học sinh những kỹ năng sống cần thiết để tránh mưa, tránh bão, thú dữ và chống đuối nước... Cô còn chịu khó học hỏi những cái mới để có tài liệu giảng dạy cho học sinh. Tuy đã 50 tuổi nhưng ngay khi xã đảo có điện, cô Hợi đã tìm hiểu thêm và đi học khóa học ngắn hạn về Tin học để thành thạo trong việc soạn giáo án điện tử. Đây cũng là một giáo viên chuyên đào tạo và hướng dẫn nhiều học sinh tham gia thi học sinh giỏi các cấp đạt giải cao, mang vinh dự về cho trường”.

Gieo chữ ngoài đảo xa ảnh 1

Sau giờ lên lớp, thầy Lưu Thế Sơn nhận sửa xe để có thêm thu nhập cho gia đình. Ảnh: Xuân Tùng.

Vượt khó bám đảo

Vượt qua những khó khăn về hoàn cảnh gia đình, thầy giáo Lưu Thế Sơn có 14 năm gắn bó với trường PTCS Ngọc Vừng để truyền dạy kiến thức cho các thế hệ học trò trên đảo. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh, thầy Sơn được phân công về dạy tại xã đảo Ngọc Vừng – cách đất liền gần trăm cây số. 

“Tôi còn nhớ mãi, có lần học sinh đi học bổ túc nhưng đến giờ lại đi biển đánh cá. Tôi vội vàng ra cảng để “dỗ” trò quay lại lớp. Học xong, tôi lại đưa học sinh đi làm việc phụ giúp gia đình. Thương các trò ngoài đảo, giờ tôi không có ý định về đất liền nữa”. 

Thầy giáo Lưu Thế Sơn, giáo viên trường PTCS Ngọc Vừng

Những ngày đầu mới ra đảo, cuộc sống nhiều khó khăn, điều kiện dạy và học thiếu thốn khiến thầy Sơn không ít lần nản chí. Nhưng sự ham học và tình cảm của học trò trở thành động lực để thầy giáo trẻ quyết tâm “cắm đảo”. Tiếp đó, thầy đưa vợ con từ đất liền ra đảo. Cuộc sống khó khăn, lúc thuê nhà ở giá rẻ, lúc ở tạm trong khu tập thể. 14 năm trên đảo với 7 lần chuyển nhà, mãi tới năm 2015 thầy giáo Sơn mới tích góp và vay mượn thêm để mua một căn nhà làm mái ấm cho gia đình.

Nhiều người dân trên đảo Ngọc Vừng còn cảm thông và khâm phục nghị lực của thầy Sơn suốt thời gian dài một mình nuôi hai con nhỏ ăn học khi chia tay người vợ đầu. Ngày ấy, đồng lương giáo viên còn ít ỏi, thầy Sơn sau giờ lên lớp, lại nhận sửa xe đạp, xe máy, đánh bắt cá để kiếm thêm tiền. Nhưng, khép lại trang nhật ký buồn, thầy Sơn may mắn gặp người vợ hiện tại hiền lành, đảm đang.

Vượt lên hoàn cảnh gia đình, thầy Sơn tâm huyết với nghề và học trò có nhiều đóng góp cho công tác giáo dục trên đảo, được học trò và đồng nghiệp quý mến. Chuyên môn chính là dạy môn Văn và Địa lý, nhưng nhiều lần trường thiếu giáo viên các bộ môn, thầy Sơn cũng tham gia đứng lớp. Đặc biệt, thầy còn tự tìm hiểu thêm bạn bè ở đất liền để dạy học trò cho chuẩn kiến thức. Thầy Sơn còn dạy Thể dục và còn dẫn đoàn học sinh đi thi điền kinh.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016” là năm thứ hai thực hiện nhằm tuyên dương các thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Chương trình do Bộ GD&ĐT, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Năm 2015, chương trình đã tuyên dương các thầy cô giáo cắm bản miền núi. Năm nay, chương trình nhận 42 hồ sơ của các thầy cô để tuyên dương. Mỗi thầy cô nhận sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và quà tặng.

MỚI - NÓNG