Ước mơ của Tâm 'si đa'

Tâm “si đa” và độc giả của mình
Tâm “si đa” và độc giả của mình
TP - Một phụ nữ hoạt động cộng đồng khá nổi tiếng trong giới bị nhiễm HIV, một nhà văn với tác phẩm thuộc diện “hot” nhưng ước mơ của chị chỉ là có được một tấm chứng minh thư. 

Đời cay nghiệt

Tôi đã trao đổi với Trương Thị Hồng Tâm vài lần qua điện thoại. Chị là tác giả của cuốn sách bán chạy “Hồi ký Tâm si đa vượt lên cái chết” vốn làm rung động rất nhiều người từng vào tù ra tội. Cuốn sách như một cuốn phim đen trắng nhiều khoảng tối. 

“Tết đến, phường tới tận nhà tặng quà cho tôi, nhưng làm chứng minh thì không ai làm cho cả”.

Chị Trương Thị Hồng Tâm

“Tôi sinh ra trong một gia đình người Hoa sung túc mà bất hạnh” - chị Tâm nói với tôi bằng giọng chua chát - “Cha tôi là sĩ quan chế độ cũ, có tới 6 người vợ và rất nhiều con. Tôi luôn cảm thấy mình bơ vơ trên cõi đời này. Ba tôi sống cùng hai người vợ và tôi. Hằng ngày tôi thấy người vợ kế của ba mình đánh bài bạc với những xấp tiền dày cộp mà bà chỉ đo chúng chứ không thèm đếm. Tôi không thể chấp nhận những đồng tiền ra đi theo cách đó. Tôi ghé nhìn trộm qua lỗ khóa và biết chỗ để tiền của ba tôi. Mỗi lần tôi trộm một cọc tiền, số tiền ấy bằng 6 tháng lương một binh sĩ. Cha tôi không hề biết, vì tưởng mẹ kế lấy”. 

Cầm tiền trong tay, cô bé 14 tuổi rủ đám bạn gái ra trung tâm Sài Gòn hoa lệ, đến những vũ trường quán rượu để giải sầu. Cô bao hết đám bạn thân ăn nhậu túy lúy, cứ thế rồi nghiện luôn ma túy. 

Sau năm 1975, kinh tế gia đình sa sút thảm hại và mọi thứ như tan hoang hết khi người cha không còn mang tiền về nhà nữa. Để thỏa cơn nghiền, Tâm đi “bán dâm”. Tiếng là đi bán dâm, trải qua nhiều trại giam nhưng Tâm vẫn là gái trinh. Cô cùng đám bạn thân, cũng đều vốn là con nhà giàu, lập một nhóm, chuyên đi lừa những người đàn ông hám của lạ. Khi những ông khách mò tới, các cô tìm cách chôm chỉa cái này cái nọ rồi đuổi khách đi. Họ ăn trộm, bẻ đèn xe. Cứ vậy, rồi bị công an bắt. 

Khi đi trại cải tạo về, thấy gia đình vất vả, không có nghề gì mưu sinh vì không vốn liếng. Tâm nổi lòng trắc ẩn, lên quận 5, tìm người để bán trinh. “Người Hoa có quan niệm mua trinh giải đen. Một người đàn ông luống tuổi đi vượt biên không thành đã mua trinh tôi với số tiền rất lớn. Thấy tôi thực sự còn trinh tiết, ông ấy ngạc nhiên và thưởng thêm cho tôi. Tôi đem tiền về cho gia đình để mọi người kiếm việc sinh nhai và giữ lại cho mình một ít”. Ngồi bên dòng kênh ở quận 5, chị kể: “Lúc ấy tôi chỉ muốn chết. Tôi đem số tiền kia đi mua thuốc phiện để hút, hút liên tục cả ngày cả đêm cho chết đi, nhưng chẳng hiểu sao tôi không chết. Tôi đành phải sống tiếp những ngày còn lại mà không biết phải làm gì”.

Viết sách! 

Tình cờ, Tâm gặp được một vị linh mục. Ông biết cô đang muốn chết. Vị linh mục này nói: “Con nên nghĩ về cuộc đời này và nên giúp cuộc đời này hơn là hủy hoại đời con”. Đó là những năm 1990. Tâm để lại sau lưng cuộc đời tăm tối để tham gia vào những hoạt động truyên truyền chống mại dâm, chống trộm cắp, phòng chống nhiễm HIV. Không chỉ “nổi tiếng” trong hoạt động cộng đồng bên công giáo, cô còn tham gia nhiều hoạt động xã hội khác. 

Ước mơ của Tâm 'si đa' ảnh 1

Tâm “si đa” đã tặng 100 cuốn sách cho trại giam. Ảnh: T.N.A

Vào những năm 2000, một chuyên gia người Đức khuyên Tâm nên viết một cuốn sách về cuộc đời mình và hứa sẽ in cuốn sách ở Đức rồi chuyển toàn bộ tiền tác quyền về cho cô làm từ thiện. Tâm lao vào viết suốt 4 năm, cuốn sách kể về cuộc đời của mình không tô vẽ. Song, chẳng hiểu sao từ đó đến nay, người bạn Đức ấy không quay lại Việt Nam nữa. Các bạn trong tổ chức từ thiện tính bí mật in cuốn sách làm quà cho Tâm, nhưng số tiền in lớn quá, chừng 60 triệu, nên việc bất thành. Không ngờ, một nhà xuất bản biết chuyện đã in sách cho Tâm.

Ban đầu số lượng bản in chỉ thường thường, không ngờ cuốn sách bán hết sạch. Lần tái bản sau số lượng tăng rất nhiều. Trương Thị Hồng Tâm nói với tôi: “Riêng tiền tác quyền cuốn sách tôi nhận đến giờ là hơn 100 triệu đồng rồi, ngoài ra tôi cũng đã bán bản quyền làm phim thu được 70 triệu đồng nữa”. Cuốn sách cũng thu hút sự quan tâm của các mạnh thường quân và cô nhận được gần 100 triệu đồng tiền giúp đỡ, hỗ trợ và tiền mua sách.

Vẫn “vô gia cư”

Cuộc đời bất hạnh của chị Tâm không phải là để chị viết sách, tự chị phải đương đầu với nó như một cuộc chiến đấu bất tận. “Cách đây mấy năm, trong một lần can ngăn một vụ ẩu đả khi đi làm công tác xã hội, tôi bị dính máu của người nhiễm HIV và bị phơi nhiễm” - chị Tâm kể. Từ một người đi tuyên truyền phòng chống HIV giờ chị bị nhiễm HIV. Hằng ngày chị phải uống thuốc, chống chọi với căn bệnh quái ác. Lấy chồng được mấy năm, chồng cũng qua đời và chưa kịp có con. Cuộc đời của Tâm như thủa ban đầu, cô độc và tay trắng. Nhà cửa đã bị gia đình bán đi từ lâu, mỗi người tứ tán một phương, chị sống trong nhà trọ để làm thiện nguyện mấy chục năm qua. 

Ước mơ của Tâm 'si đa' ảnh 2

Chị Trương Thị Hồng Tâm

“Tôi không sợ khổ, tôi cũng không dám mơ về một ngôi nhà, mà chỉ mơ ước mình có một tấm chứng minh thư để tôi được xác nhận là kẻ sống trên đời, để khi chết còn được ghi tên đường hoàng trên nấm mộ”. Người ta vẫn gọi chị bằng cái tên ngoài đời là “Tâm si đa”. Chị cho biết, thậm chí có văn bản hẳn hoi đề nghị xem xét làm chứng minh thư cho Tâm “si đa”, nhưng sự việc nhiều năm không giải quyết được. Giấy tờ tùy thân của chị Tâm chỉ còn vỏn vẹn giấy khai sinh. Chị kể: “Tết đến, phường tới tận nhà tặng quà cho tôi, nhưng làm chứng minh thì không ai làm cho cả”. Lý do không làm được chứng minh thư là chị không có nhà và hộ khẩu. Nhưng, muốn mua nhà để làm hộ khẩu thì phải có chứng minh thư. 

Chị Tâm bảo tôi: “Không hiểu nguyên tắc luật pháp thế nào, đến nay không cách gì làm được chứng minh thư”. Chị Tâm còn nói thêm rằng chị muốn giải quyết vấn đề này, vì rằng: “Trường hợp tôi không phải cá biệt. Ở miền Nam sau năm 1975 nhiều người không còn hộ khẩu, không nhà cửa, phải ở thuê. Tôi đi làm công tác xã hội, nhiều đối tượng trộm cắp, nhiều người bán dâm bảo rằng họ làm nghề này vì không có giấy tờ tùy thân nào cả, nên không thể đi xin việc được, dù là giúp việc nhà. Thậm chí, mỗi khi móc túi được chứng minh thư ai đó thì họ mừng rỡ tìm cách dán ảnh mình vào, lấy tên người trên đó làm tên của mình”. Chị Tâm bảo: “Nếu cởi mở hơn trong việc làm chứng minh thư thì rất nhiều người sẽ từ bỏ được cuộc sống trong tăm tối của họ. Nhưng mà đến giờ, chính tôi xin cho mình còn chưa được thì còn vận động, giúp đỡ được ai!”.

Chia tay tôi, chị vào ngay Bệnh viện Nhiệt Đới để chăm sóc một bạn trẻ 17 tuổi nhiễm HIV theo lời cậy nhờ của một vị linh mục. Chị bảo: “Nó cần mình, nó cần có một người ở bên nó vào lúc này”.

Chị Trương Thị Hồng Tâm từng là quản lý dự án Nhà hi vọng nuôi 15 đứa trẻ nhiễm HIV do Hội đồng Anh tài trợ sau đó chuyển qua làm nhân viên truyền thông cho Ủy ban Phòng chống AIDS của TPHCM. Hiện chị vẫn tham gia các dự án thiện nguyện cùng các vị linh mục và giúp đỡ trẻ nhiễm HIV.

MỚI - NÓNG