Theo ông Trần Đắc Phu quyết định quy mô vùng cách ly phải dựa trên bằng chứng khoa học về dịch tễ và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về tổ chức cách ly.Vừa qua xảy ra tình trạng một số ít nơi thực hiện chưa đúng việc cách ly gây lãng phí và hoang mang cho người dân, chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Ông Phu cho rằng, việc cách ly tại nhà, cách ly cộng đồng (khoanh vùng một cộng đồng để cách ly) là rất quan trọng. Virus chỉ lây trong tiếp xúc gần, hoặc tiếp xúc bề mặt có virus do người mắc bệnh thải ra. Xác định lây nhiễm đến đâu, chúng ta tổ chức cách ly, khoanh vùng đến đó. Điều này phải dựa trên điều tra dịch tễ của cơ quan chuyên môn. Ở các tỉnh, vai trò của các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế rất quan trọng. Tránh tình trạng lo lắng thái quá, một người mắc bệnh cách ly cả phố hoặc cách ly cả làng.
Theo ông Phu, ngoài làm theo hướng dẫn thực hiện cách ly y tế tại vùng có dịch, cần phải căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để xác định quy mô cách ly một cụm dân cư, một tổ dân phố, một dãy phố hoặc một tòa chung cư, hay một cơ quan, đơn vị… Nếu bệnh nhân hoặc người nghi ngờ nhiễm bệnh không có liên hệ với với cộng đồng, với hàng xóm thì chỉ cần cách ly nhà bệnh nhân ở và có thể thực hiện khử khuẩn rộng hơn ở những căn liền kề để ngăn chặn dịch bệnh.
Để đáp ứng yêu cầu cần thiết, tuỳ vào tình hình diễn biến, ngành Y tế quyết định cách ly một khu vực, có thể rộng hơn. Tuy nhiên trong quá trình cách ly, nếu xác định dịch không lây lan đến mức độ phải nới rộng như thế thì có thể rút gọn phạm vi cách ly.
Kì thị người từ vùng dịch là thiếu hiểu biết
Thực tế xảy ra việc người dân ở gần vùng cách ly cũng bị kì thị vì bị coi là đến từ vùng dịch. Về vấn đề này PGS.TS Trần Đắc Phu nhìn nhận: “Xác định một vùng dịch phải xác định được những người lây nhiễm và yếu tố khả năng lây nhiễm. Những chỗ đã xác định được người lây nhiễm hoặc có yếu tố lây nhiễm thì xác định được vùng dịch. Vùng dịch có thể rất nhỏ, chỉ 2-3 nhà. Chỉ khi nào không xác định được ca bệnh này ở đâu, mà lại “lây lan lung tung” mới đặt ra vấn đề vùng dịch lớn hơn. Vừa qua, chúng ta đã xác định, phát hiện được rất rõ nguồn bệnh là từ bên ngoài về (ca xâm nhập), hoặc có những ca bệnh lây từ ca xâm nhập. Chúng ta cũng xác định được vùng đó chỉ có ở những đối tượng đó, khu phố nhỏ đó, kể cả người sống gần nhưng không tiếp xúc người bệnh thì không thể coi họ là ở vùng dịch”.
“Hiện nay có những quan điểm kỳ thị rất không tốt xuất phát từ việc hiểu chưa đúng. Tôi cũng nắm được thông tin, vừa qua có tình trạng coi người đến từ/đi qua Hà Nội là người ở vùng dịch. Điều này hoàn toàn không đúng bởi dịch xảy ra ở một vài điểm, vài gia đình. Chúng ta cần hiểu biết để có ứng xử, hành vi đảm bảo vừa thực hiện phòng bệnh, vừa thực hiện đoàn kết người dân trong chống dịch lúc này”, ông Phu khuyến cáo.
Hàng trăm sinh viên y khoa tham gia chống dịch
Cùng với việc cử 30 cán bộ làm việc tại sân bay Nội Bài để lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 cho các hành khách đến từ châu Âu, Anh và Mỹ, Trường Đại học Y Hà Nội còn đưa 100 sinh viên hỗ trợ ngành y tế Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19.Trường Đại học Y tế Công cộng có khoảng 600 sinh viên tình nguyện đăng ký tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19. GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: “Theo đề nghị của Sở Y tế Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội điều động các sinh viên năm cuối chuyên ngành y học dự phòng và y tế công cộng tham gia phòng, chống dịch cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (CDC Hà Nội)”.
Sắp tới lượng công dân từ nước ngoài về rất lớn, nên Sở Y tế TP. Hà Nội huy động mỗi quận, huyện, thị xã thêm 2 người để bổ sung vào đội lấy mẫu xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội. Theo đó, 60 cán bộ của các quận, huyện sẽ phối hợp cùng 20 nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội, 20 cán bộ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, phân công lấy mẫu xét nghiệm cho mọi hành khách nhập cảnh tại sân bay Nội Bài.
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, Trường Đại học Y Hà Nội đã cử gần 20 sinh viên năm cuối hệ bác sĩ y học dự phòng hỗ trợ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ. Các sinh viên có nhiệm vụ liên lạc với tất cả các hành khách trên các chuyến bay khi đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài về các nơi cách ly để điều tra, sàng lọc dịch tễ học.
Thanh Hóa đón thêm 273 công dân để cách ly
Trong đêm 18, rạng sáng 19/3, Sư đoàn 390 thuộc Quân đoàn I, đóng tại thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hoá) tiếp nhận đợt công dân cách ly mới với 273 người để phòng dịch bệnh COVID-19. Đây là các công dân trở về từ 22 nước thuộc châu Âu, châu Mỹ và châu Phi.
Trong thời gian cách ly, công dân được tạo điều kiện ăn ở miễn phí, quân đội hỗ trợ suất ăn 57.000 đồng/ngày – bằng suất ăn của bộ đội bộ binh hiện tại. Trước đó, Sư đoàn 390 đã tiếp nhận cách ly hơn 400 công dân.
Hoàng Lam