Ứng phó biến chủng mới Omicron: Tăng giám sát hội chứng cúm, viêm phổi

0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng tại cửa khẩu Lạng Sơn tăng cường kiểm dịch qua biên giới. Ảnh: Duy Chiến
Lực lượng chức năng tại cửa khẩu Lạng Sơn tăng cường kiểm dịch qua biên giới. Ảnh: Duy Chiến
TP - Việt Nam chưa ghi nhận Omicron, tuy nhiên nguy cơ biến chủng này xâm nhập, lây lan vào nước ta rất lớn. Vì vậy, ngày 7/12, Bộ Y tế ra Công điện đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế; thực hiện hiệu quả nguyên tắc: 5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân, trong đó tập trung vào các trụ cột chính: xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị và đề cao ý thức của người dân. Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trên địa bàn trên quan điểm tiếp cận toàn dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở; nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm 4 tại chỗ và có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế; đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của Tổ COVID cộng đồng, trạm y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị.

Giữ vững “vùng xanh” tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn

Thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, tỉnh Lạng Sơn áp dụng quy trình “3 lớp” phòng chống dịch, khơi thông “luồng xanh” để hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi, an toàn.

Ông Lý Kim Soi, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn, cho biết, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, ngành y tế đã chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch thiết lập 168 trạm y tế lưu động; có kế hoạch hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn, nhất là tại các khu vực cửa khẩu. Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch đáp ứng 5.000 ca F0, đồng thời trưng dụng Bệnh viện Y học cổ truyền của tỉnh để đáp ứng điều trị bệnh nhân. “Ở Lạng Sơn có 2 huyện biên giới Văn Lãng và Cao Lộc, gần đây xuất hiện nhiều ca F0 do đặc thù có cửa khẩu, lái xe từ khắp các tỉnh thành tập trung ở đây. Qua công tác test nhanh ở chốt kiểm soát, tỉ lệ lái xe đường dài có kết quả dương tính tương đối lớn”, ông Soi nói.

Ðể kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào địa bàn, tại tuyến quốc lộ huyết mạch 1A, tỉnh Lạng Sơn đã bố trí 4 chốt kiểm soát dịch bệnh, gồm các lực lượng công an, y tế, quân sự làm việc 24/24h.

Nguyễn Duy Chiến

Lãnh đạo các tỉnh thành chỉ đạo việc tăng cường giám sát, quản lí các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới như khu vực Nam châu Phi (Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique…) và một số quốc gia khu vực châu Âu; thực hiện việc xét nghiệm, cách li, giám sát, theo dõi y tế cho người nhập cảnh theo đúng quy định và xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.

Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát trọng điểm hội chứng cúm (ILI), viêm phổi nặng do virus (SVP), giám sát dựa vào sự kiện (EBS), lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện ho, sốt nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19; chủ động gửi mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến chủng Omicron đến Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để xét nghiệm, giải trình tự gien khẳng định. Kịp thời cách li y tế, xử lí triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên (ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền) ngay khi được phân bổ vắc xin, đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát và khẩn trương hoàn thành việc tiêm chủng đủ liều cơ bản với các trường hợp từ 18 tuổi trở lên; triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại với các trường hợp đủ thời gian theo hướng dẫn.

“Điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu. Thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt; tổ chức tốt việc điều phối và công tác phân tầng điều trị; bảo đảm đủ ô xy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất. Tổ chức sử dụng thuốc trong điều trị COVID-19 ngay sau khi được phân bổ, tiếp nhận. Đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp, trường học. Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... yêu cầu thực hiện nghiêm việc thường xuyên cập nhật trạng thái trên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19”, công điện nêu rõ.

Anh, Nga, Bỉ sẵn sàng hợp tác vắc xin với Việt Nam

Ngày 7/12 , Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp và làm việc với Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Paul Jansen, Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward về các nội dung liên quan hợp tác y tế, phòng chống dịch COVID-19. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh các hợp tác về sản xuất, chuyển giao công nghệ vắc xin phòng COVID-19, thuốc điều trị...

Đại sứ Bỉ thông tin về các dự án có thể phối hợp hợp tác giữa 2 bên, đồng thời trao đổi về đề xuất duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc thêm 12 tháng, áp dụng đối với các giấy đăng ký lưu hành thuốc (đặc biệt đối với vắc xin) hết hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2022.

Đại sứ Nga cho biết, các doanh nghiệp Nga sẵn sàng tiếp tục mở rộng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực y tế, khoa học, dược phẩm, đề nghị phía Việt Nam nhanh chóng xem xét cấp phép lưu hành vắc xin phòng COVID-19 Sputnik Light của Nga.

Đại sứ Anh tại Việt Nam bày tỏ, phía Anh sẵn lòng chia sẻ với Việt Nam về thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em. Anh cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất vắc xin, thuốc điều trị COVID-19...

MỚI - NÓNG