> Thẩm định Dự án Thủy điện Đồng Nai 6&6A: Chưa thông qua
> DA thủy điện Đồng Nai 6&6A không thể là công trình Quốc phòng
Xem trong quy hoạch, chúng tôi nhận thấy vị trí dự kiến xây dựng hai dự án thủy điện ĐN 6&6A chắc chắn nằm trong vùng lõi Khu Dự trữ Sinh Quyển Đồng Nai được UNESCO công nhận ngày 28-6-2011.
Định hướng của MAB thuộc UNESCO là phát triển kinh tế hài hòa với bảo tồn thiên nhiên. Xây dựng hai nhà máy thủy điện này sẽ tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, truyền thống lịch sử, và không gian văn hóa của khu dự trữ sinh quyển, ba giá trị cốt lõi được cộng đồng khoa học trong và ngoài nước thừa nhận.
Đó là sự phát triển không bên vững, đi ngược lại những định hướng phát triển bền vững của các công ước quốc tế mà Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc cam kết thực hiện.
Thưa ông, những người ủng hộ dự án lập luận rất nhiều lần rằng vùng làm dự án không có rừng giàu?
Chúng ta đang nhầm lẫn giữa chất lượng rừng trong lâm nghiệp với đa dạng sinh học trong bảo tồn thiên nhiên. Một khu vực càng đa dạng loại rừng, đa dạng sinh cảnh bao nhiêu thì đa dạng sinh học cao bấy nhiêu.
Quần thể tê giác cuối cùng ở VQG Cát Tiên được phát hiện ở đâu? Có phải ở các khu rừng già toàn cổ thụ không hay chính là những nơi mà người ta thường mô tả chỉ có cây hỗn giao, rừng tre nứa hay rừng nghèo? Chúng ta có tin chính vì phát hiện tê giác ở Cát Lộc, các khu rừng bị bảo là nghèo theo quan sát trực quan ấy mới được đưa vào vùng lõi của VQG Cát Tiên không? Đa dạng sinh học không bao giờ được đo chỉ bởi số lượng cây gỗ lớn hay mật độ dày đặc của thực vật.
Chính những nơi được cho là nghèo kiệt ấy lại là chỗ sinh sống của rất nhiều loài động thực vật trong đó có các loài quý hiếm.
“Trong giai đoạn thẩm định báo cáo ĐTM của hai dự án, cần nhắc lại các cam kết quốc tế mà VN đã và đang tham gia” - GS.TS Nguyễn Hoàng Trí trong một đợt khảo sát ở rừng Đồng Nai. |
Đặt một công trình thủy điện dù chỉ chiếm 173 ha vùng lõi VQG Cát Tiên cũng giống như dùng lưỡi dao chia cắt môi trường sống của các loài thành các phân mảnh, gây khó khăn cho việc di chuyển, tìm kiếm thức ăn và hoạt động sinh dục, sinh sản của các loài động vật, hạn chế quá trình thụ phấn, phát tán, mở rộng khu phân bố của các loài thực vật. Đó là hiện tượng xói mòn di truyền gây tai họa cho các thế hệ kế tiếp.
Đây thực sự là một quả bom hẹn giờ phá hủy sinh thái vùng nhạy cảm. Nếu các thế hệ con cháu chúng ta phải gánh chịu hậu quả tai hại này thì cũng không thể trách tại sao chúng có thể đào sâu mấy tấc đất lên để đánh giá những sai lầm của các thế hệ trước!
Cám ơn ông.
QD
Thực hiện