Được coi là địa điểm tập kết hàng nông sản, hoa quả sầm uất nhất các tỉnh miền Bắc giáp với Trung Quốc, bãi xe Bảo Nguyên thuộc thôn Nà Han, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng như nhỏ bé, chật chội với hàng nghìn phương tiện đỗ, dừng chờ đến “nốt” để đưa hàng thông quan qua cửa khẩu Tân Thanh. Những ngày gần đây, Tân Thanh thu hút sự chú ý của dư luận khi sự ùn ứ đã đạt đến đỉnh điểm là hàng nghìn xe container chở hoa quả tươi nằm dài, ăn chực nằm chờ hàng tuần ở xứ Lạng.
Nguyên nhân
Ông Bế Thái Hưng, Phó chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, dẫn chúng tôi đến thăm hàng dãy ô tô xếp dài ở bến xe Bảo Nguyên. Ông Hưng cho biết, trung bình ở đây chứa khoảng 700 xe, lúc nào cũng ken kín. Gần đây, tỉnh Lạng Sơn có một bãi “phi thuế quan” cách biên giới Tân Thanh chừng 1 km, có thể “gánh” đỡ trên 1.000 xe.
Ông Hưng cho biết, kể từ khi đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, phía Trung Quốc quản lý chặt hơn khâu giao nhận hàng. Họ tuyệt đối không cho tài xế và chủ hàng đưa xe hàng vào sâu lãnh thổ Trung Quốc, ta phải giao xe hàng để tài xế phía Trung Quốc đưa đến khu vực kiểm hóa Pò Chài (thuộc Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc).
“Họ chỉ cho lái xe của ta đến gần địa điểm tập kết hàng Pò Chài, cách biên giới Việt - Trung chừng 1km. Sau khi giao xe, các tài xế được tập trung thực hiện công tác phòng, chống dịch và ngày nào cũng phải test nhanh, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 phải trả tiền. Việc này phát sinh một số khó khăn và chi phí cho doanh nghiệp, xuất hàng chậm hơn cũng như sẽ phát sinh một số rủi ro”, ông Hưng nói.
Nguyên nhân khác dẫn đến sự chậm trễ xuất hàng qua biên giới là năng lực bến bãi thông quan ở Trung Quốc còn hạn chế. Do dịch bệnh COVID-19, thiếu vắng nhân lực nên việc sang tải hàng hóa giữa ô tô Việt Nam và Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, kéo dài. Đã vậy, do không quen xe, một số tài xế nước bạn đã va quệt hoặc không điều khiển thành thục phương tiện dẫn đến ách tắc trầm trọng ngay trên đất Trung Quốc.
“Kể cả khi đã xuất được hàng, lái xe được phép trở về Việt Nam thì buộc phải có phương tiện trở về Việt Nam. Nếu không, sẽ bị cách ly 14 ngày theo quy định của nước sở tại”, ông Hưng cho biết.
Một nguyên nhân khác là phía Trung Quốc tạm thời đóng cửa, không thông quan tại một số cửa khẩu phụ ở Lạng Sơn như: Cốc Nam, Na Hình (huyện Văn Lãng), Nà Nưa, Bình Nghi (huyện Tràng Định), Bảo Lâm (huyện Cao Lộc) nên hàng “chạy” về cửa khẩu Tân Thanh. Thời điểm này đang vào chính vụ một số hoa quả chủ lực ở miền Nam, từng đoàn xe vẫn đổ dồn về Lạng Sơn, dẫn tới quá tải.
Chi phí
Thời tiết dịp này ở xứ Lạng khá khắc nghiệt. Ngày nắng hanh, đêm lạnh buốt. Giữa trưa, tôi nhác thấy một số anh tài xế túm tụm tránh nắng sau bóng râm của xe container, chia nhau cơm hộp, bát mì tôm.
Ngao ngán nhìn về ải Bắc, ông Lưu Vũ Phong (42 tuổi, đang ngồi trên cabin xe mang biển kiểm soát 51C-317.30 ở giữa khu bãi xe Bảo Nguyên) tâm sự, nhiều năm qua, ông là lái xe đường dài chuyên chở hoa quả từ Tây Nam bộ đến Lạng Sơn để xuất bán sang Trung Quốc, nhưng chưa thấy việc làm ăn khó khăn, vất vả như bây giờ. “Tôi chở mít tươi sau ba ngày từ miền Nam đến khu vực cửa khẩu Tân Thanh thì vào nằm chờ ở Khu phi thuế quan 7 ngày và tiếp tục chờ đến lượt thông quan ở bãi Bảo Nguyên 6 ngày tiếp theo. Mức khoán lái xe là 4,5 triệu/chuyến nhưng chi phí đi lại, cầu đường, ăn uống, nay phải trả tiền xét nghiệm COVID-19 các loại, xăng dầu lại lên giá thì gần như tiền công chẳng còn gì”, ông Phong nói.
Tại khu vực “phi thuế quan” ở Pác Luống, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng có trên 1.000 ô tô đang đỗ. Thực ra, nơi đây là một bãi đỗ xe chờ thông quan bụi mù bởi các phương tiện qua lại.
Khuôn mặt đen sạm, người lái xe biển số 86C-059.43, ông Lê Minh Tuấn (42 tuổi, quê ở Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) tất tả xách xô nhựa đi về góc đồi chang chang nắng. Ông cho biết, đã hai ngày nay, ông đỗ xe chở thanh long đến chờ xuất bán sang Trung Quốc và như bao đồng nghiệp khác, ông là khách bất đắc dĩ phải sinh hoạt tạm bợ tại miền biên viễn này.
“Tôi xách xô đi mua nước về tắm gội. Mỗi xô mua 20.000 đồng đủ tắm, còn nấu ăn, nước uống thì phải tằn tiện vì giá cả ở đây cái gì cũng đắt đỏ, cao gấp đôi, gấp ba ở nơi khác. Ví như, một chiếc bình ga mini ở chợ huyện Văn Lãng bán 20.000 đồng thì ở đây phải trả 30.000 đồng. Từ khi ách tắc, nơi đây xuất hiện cái chợ cóc để bán hàng sinh hoạt hằng ngày, nếu không thì chỉ có chết đói”, ông Tuấn kể.
“Chia sẻ khó khăn hiện tại, lực lượng chức năng tại cửa khẩu Tân Thanh giảm bớt những thủ tục, hiện nay chỉ mất 1 phút là 1 xe ô tô chở hàng nông sản được thông quan. Nhưng trung bình, mỗi ngày xuất khẩu được khoảng 200 xe qua biên giới”.
Ông Bế Thái Hưng, Phó chi cục Hải quan Tân Thanh, Lạng Sơn
Tháo gỡ
Chiều 1/12, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà chủ trì buổi làm việc với Tổ công tác liên ngành thực hiện hỗ trợ công tác quản lý, điều hành hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn, thảo luận giải pháp điều tiết phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu và thúc đẩy hoạt động thông quan trong thời gian tới.
“Nhiệm vụ phải tập trung thực hiện trong thời điểm này là triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu. Trong đó, các lực lượng cần triển khai tạo 2 luồng xe xuất, nhập riêng biệt để đảm bảo không xảy ra ùn ứ. Các huyện biên giới tiếp tục triển khai hội đàm với lực lượng chức năng của Trung Quốc nhằm bàn giải pháp đẩy mạnh thông quan hàng hóa, tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh tại khu vực cửa khẩu, nhất là đội ngũ lái xe đường dài từ địa phương khác đến”, bà Hà nhấn mạnh.