Mỹ và các đồng minh khi cung cấp vũ khí cho Ukraine đã ra điều kiện, rằng những vũ khí này sẽ không được sử dụng trên lãnh thổ Nga vì chúng có thể dẫn đến leo thang xung đột. Tuy nhiên, bất chấp cam kết đó, gần đây các lực lượng Ukraine vẫn sử dụng các tên lửa chống radar HARM tấn công vùng Belgorod của Nga.
"Khoảng 3 giờ chiều ngày 29/12, lực lượng Ukraine thực hiện cuộc tấn công tên lửa chống radar HARM nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Liên bang Nga. Ba tên lửa HARM của Ukraine đã bị phá hủy bởi các hệ thống phòng không đang làm nhiệm vụ ở vùng Belgorod", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Được biết, đây không phải là lần đầu quân đội Ukraine cố gắng tấn công khu vực Belgorod bằng tên lửa HARM. Các tên lửa tương tự đã bị đánh chặn tại khu vực này hai lần vào tháng 10 và tháng 12 năm ngoái.
AGM-88 HARM là tên lửa chống radar tốc độ cao được đưa vào sử dụng tại Mỹ từ năm 1983. Tên lửa được thiết kế để phá hủy các trạm radar tần số cao và thường được Ukraine sử dụng để tấn công các hệ thống phòng không như S-300 và S-400 của Nga.
Những tên lửa này lần đầu tiên được Washington chuyển giao cho Kiev vào mùa hè năm 2022.
Mỗi tên lửa AGM-88 có giá 284.000 USD, dài 4,1 m, nặng 355 kg, mang đầu đạn nổ phá mảnh nặng 66 kg, đạt tầm bắn 110 km và tốc độ tối đa gần 2.300 km/h. Tên lửa được trang bị một động cơ đẩy nhiên liệu rắn không khói với tốc độ trên Mach 2.0, tầm bắn tối thiểu là 25 km và tầm bắn tối đa đạt 150 km.
AGM-88 có 3 biến thể là: AGM-88A, AGM-88B và AGM-88C. Phần đầu đạn của 2 biến thể A và B chứa 25.000 mảnh thép nhỏ, chất nổ, ngòi nổ. Phần đầu đạn của AGM-88C có 2.845 mảnh vonfram và một lượng lớn thuốc nổ cấp độ cao hơn, có khả năng sát thương lớn hơn.