Phán quyết này được cho là một cú giáng mạnh vào Uber – công ty hiện có dịch vụ kết nối người dùng với các lái xe ở 600 thành phố trên thế giới. Đây cũng được cho là một thất bại tiếp theo của Uber sau một số vụ tai tiếng liên quan lái xe Uber, trong đó có vụ hãm hiếp, giết hại một nhân viên Đại sứ quán Anh tại thủ đô Beirut của Li-băng khi cô này đi làm về khuya.
Tòa xác định rằng, việc kết nối mọi người thông qua một ứng dụng cho các lái xe không chuyên là một bộ phận không tách rời của dịch vụ vận tải. Sở dĩ có vụ kiện này là Uber gặp phải sự phản đối kịch liệt từ các hãng taxi truyền thống và các đối thủ cạnh tranh khác ở thành phố Barcelona, Tây Ban Nha từ năm 2014. Họ cáo buộc Uber né tránh các quy định tốn kém như đào tạo và các yêu cầu về giấy phép cho lái xe và phương tiện. Họ đâm đơn kiện Uber. Luật sư Rachel Farr (công ty luật Taylor Wessing) nhận định: “Quan trọng nhất trong hoạt động kinh doanh của Uber là cung cấp phương tiện đi lại - kết nối hành khách với lái xe bằng điện thoại thông minh. Tuy nhiên, nếu không có dịch vụ vận tải, doanh nghiệp sẽ không tồn tại được”.
Mặc dù phán quyết này có hiệu lực trên phạm vi toàn Liên minh châu Âu (EU), nhưng nó vẫn bị giới hạn đối với các dịch vụ thực tế của Uber và sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến các tranh chấp khác. Vụ kiện mới chỉ tập trung vào UberPop, một dịch vụ đi xe giá rẻ ở một số thành phố châu Âu cho phép lái xe không có giấy phép lái xe taxi được sử dụng ô tô của mình để đón khách. Thách thức pháp lý này đã buộc Uber phải đóng cửa dịch vụ UberPop ở hầu hết các nước châu Âu, nhưng vẫn duy trì dịch vụ UberX.
Đại diện Uber tuyên bố: “Quyết định này sẽ làm tổn hại đến những cải cách cần thiết đối với các luật đã lỗi thời nhằm ngăn chặn hàng triệu người châu Âu có thể tìm được một chuyến đi đáng tin cậy chỉ bằng một cú nhấp chuột”. Jakob Kucharczyk, Hiệp hội Công nghiệp Máy tính và Truyền thông, nói: “Chúng tôi lấy làm tiếc vì phán quyết này sẽ đe doạ sự phát triển của các công ty trực tuyến. Đây là một đòn chí mạng cho tham vọng của EU trong việc xây dựng một thị trường kỹ thuật số tích hợp”.
Quyết định này khiến cho Uber gặp thêm thách thức khi Giám đốc điều hành Uber Dara Khosrowshahi muốn hãng chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) vào năm 2019.Trong khi đó, Uber tiếp tục thua thiệt khi phải đối mặt các đối thủ cạnh tranh được tài trợ từ Lyft ở Mỹ hay Didi Chuxing của Trung Quốc tại châu Á.
Uber không phải là mô hình kinh doanh công nghệ duy nhất bị các nhà hoạch định chính sách sờ gáy. Tại Paris, các nhà quản lý đang kiểm soát Airbnb, dịch vụ thuê phòng qua mạng đang bị các công ty khách sạn kiện. Deliveroo, dịch vụ phân phối thực phẩm qua mạng, cũng đang phải đối mặt sự giám sát của giới chức ở Anh.