Tiện dụng nhưng mất kiểm soát
Đại diện Sở GTVT TPHCM đánh giá, Uber, Grab nhiều ưu điểm, người dân đón nhận, nhưng loại hình này cũng gây nhiều bất ổn xã hội, đỉnh điểm việc hãng Taxi Vinasun dán khẩu hiệu phản đối. Ông này đề nghị, nếu tiếp tục thí điểm, Bộ GTVT nên “chốt” trước số lượng xe cho các địa phương.
Ông Vũ Văn Viện, giám đốc sở GTVT Hà Nội cũng cho rằng, nhiều ưu điểm nhưng Uber, Grab có nhiều mặt trái. “Dù giá rẻ nhưng không kiểm soát được vì tăng giảm theo giờ, khuyến mãi theo ngày. Hợp đồng bản chất là thỏa thuận nhưng khách không thể thương lượng” - ông Viện nói và cho biết HĐND TP đã thông qua việc quản lý Uber và Grab như taxi để giảm áp lực lên hạ tầng giao thông.
Lãnh đạo Sở GTVT Khánh Hoà phản ánh, Uber, Grab “ra rả” nói về việc tận dụng xe cá nhân nhàn rỗi để kinh doanh vận tải, giúp giảm ùn tắc nhưng thực chất có trên 90% xe của Uber, Grab là xe được mua về để kinh doanh chuyên nghiệp. “Họ kinh doanh ở Khánh Hoà nhưng không lập văn phòng, không xin phép, đưa xe xin cấp phép từ TPHCM về chạy mà chúng tôi không có cách gì xử lý” - ông này nói.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến truy trách nhiệm của Uber, Grab để xảy ra tai nạn, mất đồ, thậm chí tài xế trộm, hiếp dâm khách như gần đây. Cả Uber và Grab đều không nhận trách nhiệm trong việc này và cho biết các hợp tác xã (HTX) vận tải và cá nhân lái xe hợp tác với Uber và Grab chịu trách nhiệm chính. Trong khi đó, hầu hết các ý kiến tại cuộc họp đều chung nhận định, các HTX là đối tác của hai hãng taxi công nghệ này chủ yếu lập ra để “chạy” giấy tờ các tài xế, không giáo dục, quản lý tài xế.
Theo Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình, 2 năm thí điểm Uber, Grab có nhiều thất bại. Thất bại lớn nhất thể hiện ngay từ việc định danh đây là loại xe hợp đồng. Với tên gọi đó, loại xe này không bị khống chế số lượng, gia tăng “hỗn loạn”.
Xóa khoảng cách của Uber, Grab và taxi truyền thống
Nhiều ý kiến cho rằng, với những phức tạp do Uber, Garb tạo ra, đặc biệt là những thiệt thòi rất dễ nhận thấy của taxi truyền thống trước loại hình này (như bị hạn chế số lượng, bị cấm đường…), Bộ GTVT cần đưa ra các giải pháp để khắc phục tình hình. Trong đó, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đề nghị nên quản lý Uber, Grab giống taxi. Đây cũng là đề nghị của nhiều địa phương, các Hiệp hội taxi và các doanh nghiệp taxi truyền thống.
Ông Phan Đức Hiếu, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng, Bộ GTVT cần lấy ý kiến các bộ chuyên ngành để có biện pháp quản lý. Bộ Tài chính cho rằng, bộ GTVT cần yêu cầu Uber, Grab phải có trụ sở tại Việt Nam mới có thể tiến hành thu thuế.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ thống nhất sẽ đưa ra các quy định để quản lý chặt chẽ Uber và Grab trong dự thảo nghị định quản lý vận tải đang được soạn thảo. Trong đó, Bộ GTVT sẽ hướng tới việc ban hành các điều kiện kinh doanh vận tải của Uber, Grab và taxi truyền thống gần nhau hơn.
Hiện Chính phủ cho thí điểm Uber, Grab và các loại xe tương tự tại 5 địa phương (Hà Nội, TPHCM, Khánh Hòa, Quảng Ninh và Đà Nẵng), tuy nhiên Đà Nẵng không chấp nhận. Hiện toàn quốc có gần 37.000 phương tiện (Hà Nội 15.000, TPHCM 21.000).