Ở một chừng mực nào đó thì việc đối đầu với những ngôi sao trở về từ Trung Quốc hồi đầu năm nay có vẻ như đang khiến phần còn lại phải giữ gìn hơn. Dù gì thì các chàng trai của HLV Park Hang Seo cũng là thần tượng của một bộ phận đông đảo công chúng. Các tình huống va chạm trên sân trở nên nhạy cảm, và một sơ suất cũng có thể phải trả giá nặng.
Từ đầu mùa giải tới nay, Ban Kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã phải áp dụng án phạt nguội đối với khá nhiều trường hợp phạm lỗi ở V-League. Rất trùng hợp khi 2 trong số những án phạt nặng nhất đều thuộc về những cầu thủ mà nạn nhân là tuyển thủ U23 Việt Nam.
Trường hợp đầu tiên của trung vệ Tăng Tiến (HAGL), phạm lỗi với Duy Mạnh (CLB Hà Nội) ở trận đấu giữa 2 đội tại vòng 3 V-League. Giá cho pha đạp chân của Tăng Tiến với ngôi sao ở hàng thủ tuyển U23 Việt Nam là án cấm thi đấu 5 trận, nộp phạt 25 triệu đồng. Pha vào chân của Tăng Tiến thoạt nhìn rất mạnh, nhưng những phân tích từ việc nghiên cứu băng hình cho thấy ở tình huống trên, hậu vệ HAGL đã chủ động hãm chân. Duy Mạnh trong khi đó có vẻ như là người chủ động vào bóng bằng gầm giày trước. Hậu vệ CLB Hà Nội vẫn thi đấu bình thường, không gặp chấn thương nặng nào.
Trường hợp mới đây là của hậu vệ Sầm Ngọc Đức (CLB Tp Hồ Chí Minh). Cầu thủ gốc Nghệ nhận án phạt cấm thi đấu 4 trận từ Ban Kỷ luật VFF kèm số tiền phạt 20 triệu đồng do vào bóng “rát” với Phan Văn Đức, một ngôi sao U23 Việt Nam khác đang chơi cho SLNA.
Dĩ nhiên, Ban Kỷ luật VFF hẳn đã có những căn cứ nhất định khi đưa ra các án phạt trên. Tuy nhiên, người ta vẫn không thể không đặt câu hỏi, phải chăng để bảo vệ chân của các ngôi sao U23 Việt Nam nói riêng cũng như vẻ đẹp của V-League nói chung, Ban Kỷ luật VFF đã mạnh tay hơn đối với các pha bóng trên phần quyết liệt.
Nếu so sánh nhiều trường hợp trước đây, người ta có thể thấy độ “vênh” nhất định giữa các án phạt của Ban Kỷ luật VFF. Đơn cử như đầu mùa giải năm ngoái, pha đạp bóng của Samson (CLB Hà Nội) đối với Châu Ngọc Quang (HAGL) chỉ bị nhận án phạt nguội cấm thi đấu 2 trận dù mức độ bị đánh giá là khá nghiêm trọng.
Dù sao, đặt giữa việc VFF nên mạnh tay hay “nhẹ nhàng” như trước đối với những tình huống thô bạo ở V-League, nhẽ vẫn nên nghiêng về phương án đầu tiên. Nhưng với yêu cầu rằng tất cả các trường hợp đều được đối xử bình đẳng như nhau.