U23 đưa người Việt xích lại gần nhau

Nhóm cổ động viên ít ỏi của Việt Nam có mặt trong trận mở màn với U23 Hàn Quốc. Ảnh: Phạm Như Sang.
Nhóm cổ động viên ít ỏi của Việt Nam có mặt trong trận mở màn với U23 Hàn Quốc. Ảnh: Phạm Như Sang.
TP - Trực tiếp tới sân chứng kiến không khí trên sân Thường Châu và tình cảm người Việt từ khắp nơi mới thấy đội tuyển U23 Việt Nam đã kết nối, giúp người Việt xích lại gần nhau hơn...

“Như đang ở nhà”

Có mặt tại sân vận động Thường Châu tới khi các cổ động viên Việt Nam đã về hết, chúng tôi bất ngờ khi một số người Việt Nam vẫn nán lại sân thu dọn khán đài cùng lao công Trung Quốc.

Đa phần trong số họ vẫn khoác trên mình cờ đỏ sao vàng, người ướt sũng, họ dầm mưa tuyết đi từng hàng ghế nhặt cẩn thận cờ, băng rôn còn vương lại, gấp gọn mang về, không để lại trên khán đài một lá cờ tổ quốc nào. Người thì giúp các lao công Trung Quốc đi thu dọn áo mưa, rác, những tấm nệm lót ghế chống lạnh do ban tổ chức trang bị cũng được họ cẩn thận gạt sạch tuyết và xếp gọn vào góc khán đài. Thấy hành động đó, những lao công Trung Quốc ngạc nhiên, cảm ơn và xua tay bảo về, nhưng họ vẫn cắm cúi làm tới khi khán đài sạch mới rời sân. Xong công việc, chúng tôi cùng họ là những người Việt cuối cùng rời sân Thường Châu. Đến lúc đó tôi mới biết, họ là những lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc.

Trò chuyện, bạn Lê Hường - một trong số họ kể: trước khi trận chung kết diễn ra, các lưu học sinh Việt Nam tại Thượng Hải, Nam Kinh đã lập group kêu gọi nhau cùng đi cổ vũ đội tuyển và dặn nhau sẽ ở lại dọn khán đài trước khi về, trận nào cũng vậy. “Trận chung kết có rất nhiều cổ động viên Việt Nam sang phải về luôn, nên cờ tổ quốc, băng rôn sẽ còn lại trên sân. Cả nhóm thống nhất sẽ nán lại sân thu dọn, không để bất kể lá cờ nào rơi rớt trên khán đài, dù Việt Nam thắng hay thua”, Hường kể. Hường là cựu sinh viên Việt Nam ở Thượng Hải, hiện sống và làm việc tại Đại Liên (Trung Quốc). Thậm chí, khi đi cổ vũ cho đội tuyển U23 Việt Nam, Hường còn giấu chồng người Trung Quốc, chỉ khi tới sân mới gọi về báo đã đi xem đá bóng, hôm sau mới về.

Khi thấy các lưu học sinh Việt cặm cụi nhặt rác trên sân, các cổ động viên lớn tuổi còn gọi với lại: “Nhặt tất cả cờ nước mình về các cháu ơi, không được để lại!”. Thậm chí, có người Trung Quốc khi nhìn thấy cảnh đó cũng phải thốt lên: “Cầu thủ Việt Nam thật tuyệt vời, nhưng người hâm mộ cũng để lại nhiều ấn tượng đẹp lắm!”. Khi ra tới cổng sân, thấy đoàn cổ động viên Uzbekistan đi qua, nhiều bạn sinh viên Việt Nam ở Trung Quốc còn kéo nhau chụp ảnh và bắt tay chia vui cùng cổ động viên đội bạn.

Tình người

Trong trận đấu, nhiều người Việt sang nhưng chuẩn bị đồ chống rét chưa đầy đủ, lại đứng dưới mưa tuyết cổ vũ cho đội tuyển nên ngấm lạnh, nhiều người khác xúm lại giúp đỡ. Có cổ động viên Việt Nam có đôi găng tay liền chia sẻ với người bên cạnh 1 chiếc, dù không hề quen biết. Thậm chí, khi trận đấu đang diễn ra, một nữ cổ động viên từ TPHCM sang nhưng chỉ mặc chiếc váy mỏng với quần tất, nên phải ra sau khán đài để tránh rét. Mỗi khi có tình huống hay, cả khán đài hò reo, cô bật dậy chạy ra ngó nghiêng xong lại về nơi... trú ẩn. Thấy vậy, nhóm lưu học sinh Việt tại Trung Quốc gọi nhau lấy miếng dán giữ nhiệt dán khắp người cô, hy vọng cô đủ ấm tới hết trận.

Khi chúng tôi gặp khó khăn trong việc liên lạc với đồng nghiệp đang ở Thường Châu, lại không biết tiếng Trung, Lê Hường chủ động đề nghị hỗ trợ, khi đó đã 10 giờ đêm. Ban đầu chúng tôi chỉ hy vọng được Hường gọi hộ taxi để về khách sạn đã đặt trước. Trong khi đợi taxi tới, Hường suy nghĩ và đề nghị cả nhóm bạn đi cùng đưa chúng tôi về tận khách sạn, giúp chúng tôi nhận phòng, sau đó cả nhóm mới rời đi. Hành động của nhóm Hường khiến chúng tôi rất bất ngờ và cảm kích, nếu không có họ chưa biết chúng tôi sẽ vật vờ trong mưa tuyết Thường Châu tới bao giờ.

Phạm Như Sang, nghiên cứu sinh tại Đại học Đồng Tế (Thượng Hải) kể, ngày 26/1, nhóm sinh viên Việt Nam tại Thượng Hải nhận được tin báo có người Việt Nam sang Thường Châu nhưng bị lạc tại bến tàu Thượng Hải cần giúp đỡ. Dù hôm đó còn rất sớm, mưa tuyết dày, nhưng Sang với 1 bạn cùng trường lập tức ra bến tàu tìm người Việt bị lạc. Nhưng khi tìm được người cần giúp thì tàu hết vé, Sang phải tìm hộ taxi cho 3 người đi Thường Châu. “Lúc đầu chúng tôi cũng không biết họ là ai, chỉ biết người Việt đang trên đường sang Thường Châu cổ vũ bóng đá nên ra giúp. Sau đấy mới biết 1 trong 3 người đó là giám đốc một đài truyền hình ở Việt Nam”, Sang kể. Tại sân Thường Châu, không ít cổ động viên Việt Nam bị thất lạc đoàn, gặp khó khăn khi đi lại đều được những người Việt sống tại Trung Quốc giúp đỡ tận tình.

Gọi nhau tiếp lửa

Bạn Phạm Như Sang kể, khi biết U23 Việt Nam sang Trung Quốc đá vòng Chung kết U23 châu Á, các bạn lưu học sinh tại Thượng Hải và Nam Kinh đã cùng nhau lập group để gọi nhau đi tiếp lửa cho đội tuyển. Tuy những sinh viên Việt ở đây không nhiều, nhưng họ luôn cố gắng không bỏ trận có U23 Việt Nam nào ngay từ vòng bảng, có trận chỉ 20-30 người.

“Những trận vòng bảng chúng em phải thông báo cho nhau về lịch thi đấu, vì khi đó thông tin giải đấu chưa nhiều trên báo chí. Chỉ sau trận U23 Việt Nam thắng U23 Australia ở vòng bảng, thông tin nhiều, mọi người tới sân cổ vũ đội đông hơn. Cứ vậy, qua từng trận đấu, cổ động viên Việt Nam đông dần lên và khí thế cũng tăng dần”, Sang nhớ lại, cậu là người có mặt trên khán đài tất cả các trận của U23 Việt Nam. Sang cũng cảm ơn cổ động viên Việt Nam, vì hình ảnh người Việt Nam sau giải đấu đã thay đổi rất nhiều trong mắt người Trung Quốc.

MỚI - NÓNG