Sự so sánh tai hại
Thật tình báo chí Anh quốc có quan tâm đến chiến thắng của U19 Việt Nam trước U19 Australia ở giải U19 Đông Nam Á Nutifood 2014 hay không là chuyện cần phải bàn. Mấy ngày qua, hiếm thấy tờ báo chính thống nào của xứ sở sương mù đưa tin về sự kiện này. Riêng tờ báo đã đưa tin là tờ Express chỉ nằm trong nhóm những tờ báo lá cải của Anh.
Và chuyện tờ Express so sánh Công Phượng với Messi lại là chuyện khác. Thực ra thì tờ báo này chỉ nhắc lại bình luận của chính giới truyền thông trong nước, khi có người bình luận hơi lố đã so sánh Công Phượng với Messi, và bảo HLV Wenger của Arsenal nên để mắt đến Công Phượng.
Cần rạch ròi và tỉnh táo rằng Express chỉ nhắc lại bình luận của giới truyền thông nước ta, theo kiểu dịch thuật, chứ họ không tự nghĩ ra và tự làm phép so sánh giữa đội trưởng của U19 Việt Nam với đội trưởng của đội tuyển Argentina.
Riêng chuyện HLV Arsene Wenger có để mắt đến những cầu thủ của bầu Đức trong đó Công Phượng hay không thì cũng chẳng cần phải bàn cãi.
Năm ngoái, Công Phượng và 3 cầu thủ khác của bầu Đức đã được gọi sang Arsenal theo lộ trình bắt buộc của học viện HAGL-Arsenal, và bị trả về. Đấy chính là câu trả lời cho việc HLV Arsene Wenger đánh giá trình độ của lứa U19 Việt Nam ở mức nào, Công Phượng có đủ sức đá cho các “pháo thủ” hay không!
Nhưng thôi, chuyện giới truyền thông và người hâm mộ so sánh Công Phượng với Messi, Maradona hay bất cứ ngôi sao đẳng cấp thế giới nào là chuyện của mọi người. Chủ yếu người ta chỉ nói cho sướng miệng trong phút chốc. Điều quan trọng là Công Phượng và các đồng đội phải biết mình đang ở đâu.
Công Phượng chắc chắn không phải là Lionel Messi và chắc chắn cũng không bao giờ trở thành Messi, không bao giờ làm được những gì mà thiên tài người Argentina có thể làm. Điều quan trọng là bản thân Phượng phải tỉnh táo nhận ra điều đó, đừng tin vào những lời phù phiếm. Không nhận ra điều đó, người chịu thiệt cũng chỉ là chính bản thân Công Phượng mà thôi!
Áp lực từ một phép so sánh
Phút xuất thần của Công Phượng khi anh ghi bàn vào lưới Australia quả là hiếm gặp. Nhưng đấy là xét trên bình diện của bóng đá Việt Nam, xét trên bình diện ở một giải đấu trẻ tầm khu vực, mà ngay đến những cầu thủ đứng trước mặt Công Phượng hôm đó vẫn còn khá non nớt.
Bảo đấy là pha bóng làm gợi nhớ lại hình ảnh đi bóng và ghi bàn của Messi hay Maradona trên bình diện bóng đá nhà nghề thế giới thì đúng là cũng chỉ là… nói.
Nhưng tai hại ở chỗ, nếu đã bảo Công Phượng giống… Messi thì nhiều người lại đòi hỏi tiếp Công Phượng đương nhiên phải có chỗ trong đội tuyển quốc gia.
Đành rằng những cầu thủ trong độ tuổi U19 có suất ở đội tuyển không phải là hiếm, ngay trong lòng bóng đá Việt Nam, như Thanh Bình, Công Vinh, Văn Quyến, Chu Ngọc Anh, Thành Lương… Thậm chí, hơn 17 tuổi, Văn Quyến đã ghi bàn đầu tiên trong màu áo ĐTQG tại AFF Cup 2002. Ít lâu sau đó, Quyến tiếp tục sút tung lưới Hàn Quốc ở vòng loại World Cup khu vực châu Á.
Dù vậy, khác biệt cực lớn giữa những cầu thủ vừa nêu với Công Phượng nằm ở chỗ khi được gọi vào ĐTQG, những cầu thủ ấy đã khẳng định được chỗ đứng trong bóng đá đỉnh cao, trong khi Công Phượng mới chỉ được biết đến thông qua các giải đấu trẻ.
Cần biết rằng tính chất của các giải trẻ với bóng đá đỉnh cao khác xa nhau, đá giải U19 cũng khác hẳn so với việc đá ở V-League.
Những người tỉnh táo như bầu Đức nhắc đi nhắc lại rằng cầu thủ của ông cần giữ được trạng thái cân bằng, HLV Miura của ĐT Việt Nam chỉ cười cười và bảo cần giành thời gian cho lứa U19 hiện nay, sau khi được hỏi đến chuyện có đưa lứa này lên đội tuyển quốc gia ngay lập tức hay không?
Chỉ sợ cho chính các cầu thủ vốn còn trẻ và thiếu sự tỉnh táo không nhận ra điều đó. Người ngoài nói gì không quan trọng, so sánh Công Phượng và các đồng đội với ai cũng không quan trọng, điều quan trọng là họ tự biết mình đang ở trình độ nào.
Biết bao nhiêu niềm hy vọng trong bóng đá từng đi tong sự nghiệp cũng chỉ vì đánh giá sai về khả năng của bản thân, vì không biết mình là ai và mình đang ở đâu, vì cứ phải cố mặc những chiếc áo rộng quá khổ!