Tỷ phú Ajay cho biết, vấn đề không phải là cơ hội đầu tư mà là mọi dự án đầu tư lớn đều không có sự minh bạch ở Ấn Độ. Sự bối rối trong sử dụng tiền của tỷ phú Ajay là dấu hiệu đáng lo ngại cho nền kinh tế Ấn Độ bị tai tiếng về tham nhũng, quan liêu, hay thay đổi chính sách, và mập mờ.
Nhiều người từng làm giàu bạc tỷ ở Ấn Độ cũng bắt đầu nói rằng họ muốn rời nước này để đầu tư, kinh doanh ở nước khác chỉ vì ở nước ngoài thủ tục kinh doanh dễ dàng hơn. Hồi tháng 5 năm ngoái, công ty chăm sóc y tế của tỷ phú Ajay bán cơ sở sản xuất tân dược chữa trị bằng gen cho tập đoàn tân dược khổng lồ Abbott Laboratories của Mỹ với giá 3,8 tỷ USD.
Ajay là một trong những tỷ phú Ấn Độ đo tiền bằng dây, bày tỏ muốn sử dụng số tiền gần 4 tỷ USD nói trên vào sản xuất, kinh doanh. Ông muốn đầu tư mở rộng một trong số nhiều nhà máy hóa chất của mình ở Ấn Độ nhưng đã bị các nhà chức trách bảo phải mất 5 năm dự án mới hoàn thành.
Tỷ phú Ajay cho biết, để xây dựng một nhà máy hóa chất như vậy ở Trung Quốc chỉ mất 2 năm. “Tôi yêu Ấn Độ nhưng khách hàng của tôi thì không sẵn sàng chờ đợi lâu đến vậy”, tỷ phú Ajay nói.
Một báo cáo của ngân hàng trung ương nước này cho biết kể từ năm 2010, số người giàu Ấn Độ đầu tư ra nước ngoài đã vuợt quá con số người nước ngoài đầu tư ở Ấn Độ.
Điều này một phần phản ánh việc nền kinh tế Ấn Độ vẫn tăng trưởng giữa lúc nền kinh tế toàn cầu đang trồi sụt, nhưng cũng phản ánh môi trường đầu tư trong nước chưa tốt.
Các nhà đầu tư hàng đầu Ấn Độ không biết ném tiền vào đâu đều phàn nàn, tình trạng tham nhũng trong nước, khó tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên, chậm phê duyệt dự án, khó giải phóng mặt bằng là những điều trước đây chưa bao giờ nghiêm trọng như hiện nay.
Chủ tịch tập đoàn Jamshy Godrej & Boyce nói rằng nếu chỉ là một nhà kinh doanh thật thà thì rất khó khởi đầu bất cứ điều gì. Ông nói các nhà kinh doanh đang di chuyển tới những nơi nào mà họ cho là cơ hội tốt nhất và hiệu quả nhất đối với đồng vốn mà họ đã bỏ ra. Rất tiếc, đó lại là những nơi ở bên ngoài lãnh thổ Ấn Độ.
Năm 2008, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Ấn Độ 33 tỷ USD, gấp hai lần số tiền mà các nhà kinh doanh Ấn Độ đầu tư ra nước ngoài. Nhưng đến năm 2010, con số này bị đảo ngược, tức là các nhà kinh doanh Ấn Độ đã đầu tư 40 tỷ USD ra nước ngoài trong khi vốn mà các công ty nước ngoài đầu tư vào Ấn Độ chỉ khoảng 20 tỷ USD.
Xu hướng này vẫn tiếp diễn trong năm nay. Tham nhũng diễn ra ở mọi lĩnh vực từ các công trình vận hội khối Thịnh vượng chung, đến ngân sách bị xà xẻo trong các dự án xây nhà tình nghĩa cho phu nhân các chiến binh tử trận đến sự gian lận trong vụ đấu thầu dự án điện thoại di động đã khiến ngân sách nhà nước mất hàng tỷ USD, nhiều quan chức trong chính phủ phải vào tù.
Điều này một phần lý giải vì sao hàng chục ngàn người biểu tình thuộc giới trung lưu đổ ra đường hô những khẩu hiệu chống tham nhũng.
Nạn tham nhũng tràn lan đến mức các tập đoàn thép không thể mua được quặng sắt từ bang miền nam Karnataka. Tình hình tồi tệ đến mức tòa án phải tuyên đóng cửa một số mỏ sắt xấu vốn sản xuất đến 1/5 tổng sản lượng quặng sắt cho Ấn Độ.
Tỷ phú Ajay chẳng phải là người không yêu nước. Bằng chứng là mỗi phòng trong tòa cao ốc văn phòng của ông đều được đặt tên theo các anh hùng liệt sĩ, thậm chí trên các bức tường ông còn viết những câu thành ngữ hay khẩu hiệu nổi tiếng.
Tháng 9 năm ngoái, tỷ phú Ajay nhận được khoản tiền đầu tiên 2,2 tỷ USD do tập đoàn Abbott trả cho công ty tân dược. Tỷ phú Ajay bắt đầu nghĩ đến chuyện đầu tư tại Boston, Hoa Kỳ, trong các dự án công nghệ sinh học và dịch vụ tài chính, chứng khoán.
Tỷ phú Ajay cho rằng Ấn Độ đang hướng tới chủ nghĩa tư bản nhiều hơn là chủ nghĩa xã hội. Theo ông, Ấn Độ nên đi lại, chủ nghĩa tư bản dẫn đến chỗ quá thừa thãi và mức độ tham nhũng cũng hết mức.
Đ.P
Theo AP