Tại Hội nghị công bố kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu, Tổng điều tra dinh dưỡng lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở phạm vi quốc gia với sự tham gia của 22.400 hộ gia đình tại 25 tỉnh, thành phố đại diện cho 6 vùng sinh thái.
GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết, khẩu phần ăn của người dân năm 2020 chỉ ra năng lượng trung bình trong khẩu phần đạt 2.023kcal/người/ngày, tăng nhẹ so với mức năng lượng 1.925kcal/người/ngày năm 2010. Mức ăn rau quả đã tăng, nhưng mới chỉ đạt 66,4-77,4% so với nhu cầu khuyến nghị của Tháp dinh dưỡng cho người trưởng thành. Mức tiêu thụ thịt tăng nhanh, trong đó khu vực thành phố tiêu thụ cao hơn, ở mức 155,3 gram/người/ngày (năm 2020). Mức tiêu thụ gạo có xu hướng giảm. Tại các trường học ở thành phố có xu hướng tăng tiêu thụ nước ngọt,thức ăn nhanh.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc là 19,6% - được xếp vào mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Như vậy, Việt Nam đang trên đà đạt được mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu (giảm 40% suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em đến năm 2025). Tuy nhiên, vẫn còn sự chênh lệch về tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi vì ở vùng nông thôn và miền núi, tỷ lệ này còn ở mức cao.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5-19 tuổi) giảm còn 14,8% (năm 2010, tỷ lệ này là 23,4%). Tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân, béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn 18,3% và miền núi 6,9%.
Chiều cao nhóm thanh niên 18 tuổi tăng mạnh
Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng, chiều cao của người Việt đã có sự thay đổi mạnh ở nhóm thanh niên 18 tuổi. Năm 2020, chiều cao trung bình nhóm thanh niên nam đạt 168,1cm, tăng 3,7 cm so với năm 2010 (164,4cm); nhóm thanh niên nữ đạt 156,2cm, tăng 1,4 cm so với năm 2010 (154,8cm).
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, các kết quả chính của Tổng điều tra dinh dưỡng 2019-2020 cho thấy những tiến bộ trong 10 năm qua cũng như những thách thức, khó khăn cần giải quyết trong giai đoạn tới. Đó là vấn đề suy dinh dưỡng vẫn còn tồn tại dai dẳng, đặc biệt ở những vùng khó khăn, có dân tộc thiểu số sinh sống.
Bên cạnh đó, thừa cân, béo phì đang gia tăng ở tất cả các lớp tuổi, cả ở thành thị và nông thôn, kéo theo là sự gia tăng không kiểm soát các bệnh không lây nhiễm liên quan chế độ ăn.