Tỷ giá có khiến chứng khoán đổi màu?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - USD trên thị trường tự do đã vượt mức 25.000 đồng/USD. Tỷ giá biến động ngay từ đầu năm được cho là diễn biến khác lạ so với mọi năm, tuy nhiên chưa quá đáng ngại, vẫn có nhiều yếu tố giúp giảm bớt áp lực tỷ giá. Ảnh hưởng sẽ thực sự rõ nét khi đồng nội tệ mất giá trên 3%, chứng khoán có thể điều chỉnh.

Hôm nay (8/3), dù tỷ giá trung tâm đã giảm về dưới ngưỡng 24.000 đồng/USD, nhưng trên thị trường tự do, USD vẫn giao dịch quanh ngưỡng 25.289 - 25.350 đồng/USD (mua vào - bán ra). Số liệu từ Chứng khoán Mirae Asset cho thấy, tỷ giá VNĐ/USD trên thị trường tự do ghi nhận mức tăng đáng kể. Hiện VNĐ đã mất giá 1,56% so với thời điểm đầu năm.

Trong đó, tỷ giá bán USD niêm yết tại Vietcombank ghi nhận mức mất giá 0,91% so với đầu năm và hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở hai tuần gần nhất.

Biến động tỷ giá 2 tháng đầu năm có phần khác với diễn biến thường thấy trong 2 năm trước đó. Thông thường, quý I là thời điểm thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước có thể tích cực gia tăng nguồn dự trữ ngoại hối thông qua các nguồn ngoại tệ chảy vào Việt Nam như kiều hối, thặng dư thương mại và FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài).

Tỷ giá có khiến chứng khoán đổi màu? ảnh 1

Diễn biến tỷ giá thời gian qua (số liệu: FiinGroup, Yuanta).

Chuyên gia từ Mirae Asset đánh giá, áp lực tỷ giá tiếp tục kéo dài khi thị trường thay đổi kỳ vọng về lộ trình cắt lãi suất đến từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Kể từ khi Fed đưa ra biên bản cuộc họp tháng 1, giới phân tích đã giảm kỳ vọng về số lần cắt giảm lãi suất điều hành của Fed trong năm nay.

Với thị trường chứng khoán, mối quan hệ ngược chiều với tỷ giá cũng gây lo ngại rung lắc, điều chỉnh. Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán VPBankS - nhận định, nếu tỷ giá biến động quá khoảng 2,7 - 3% có thể tạo ra nhịp điều chỉnh đối với thị trường chứng khoán. Ông Sơn dẫn lại những gì diễn ra trong năm 2022, tỷ giá tăng vọt lên mức rất cao, chứng khoán ghi nhận giai đoạn bán rất mạnh của nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Năm 2023 vừa qua, ở nửa cuối năm tỷ giá cũng tăng khá cao, khối ngoại liên tục bán ròng. Theo ông Sơn, việc nhà đầu tư nước ngoài rút bớt vốn trên thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm ngoái cũng khiến nhu cầu USD trên thị trường căng thẳng hơn.

Ông Sơn cho rằng tỷ giá các năm đều thường mất giá, đâu đó sẽ ổn định ở dưới khoảng 2%. Nếu giữ ổn định ở mức này, sẽ không tác động quá nhiều, trong khi có thể vừa hỗ trợ cho xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh chung toàn cầu.

"Nếu tỷ giá bị mất giá trên 3% sẽ tác động đối với nền kinh tế khi mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp bất lợi hơn về mặt chênh lệch tỷ giá và có thể sẽ bị hạch toán lỗ do chênh lệch tỷ giá. Mặt khác, tỷ giá biến động sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có thể sẽ làm cho nhà đầu tư nước ngoài rút bớt", ông Sơn cho biết.

Dù tỷ giá biến động, nhưng theo nhóm phân tích của Chứng khoán DSC, biên độ dao động vẫn nằm trong khoảng 3%. Cùng với mức tăng này, tháng 9 năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có hành động điều tiết trên thị trường mở. Còn với thời điểm hiện tại, nhà điều hành một phần chấp nhận biến động tỷ giá trong ngắn hạn.

DSC cho rằng, tỷ giá USD/VNĐ sẽ chịu áp lực tăng trong ngắn hạn, sau đó dần hạ nhiệt từ quý III, thời điểm Fed bắt đầu chính sách nới lỏng. Ngoài ra, VNĐ mất giá nhẹ giúp thúc đẩy cạnh tranh về giá trên thị trường xuất khẩu, khi các đồng tiền trong khu vực đều hạ nhiệt.

Tỷ giá có khiến chứng khoán đổi màu? ảnh 2

Biến động đối lập DXY (chỉ số giá USD) giảm, trong khi tỷ giá tăng.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán Yuanta - cho rằng, 6 tháng đầu năm, tỷ giá sẽ còn duy trì mức cao do chênh lệch lãi suất USD/VNĐ vẫn cao, và nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất tăng. Trong khi đó, áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt vào cuối năm nhờ khả năng Fed giảm lãi suất từ tháng 6; đồng thời lãi suất VNĐ có thể hồi phục cuối năm khi thanh khoản không còn dồi dào.

Với thị trường chứng khoán, Yuanta cho rằng, trong dài hạn, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Rủi ro vẫn ở mức thấp. Trong tháng 3, thị trường sẽ duy trì đà tăng, nhưng có thể chậm lại trong tuần giao dịch 18-22/3, khi các quỹ ETF (hoán đổi danh mục) cơ cấu danh mục.

Giao dịch sôi động trên thị trường hiện nay được dự báo nối dài, còn dư địa tăng khi tâm lý nhà đầu tư tích cực. Bà Phạm Huyền Trang - Giám đốc phân tích cổ phiếu, Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư, Chứng khoán SSI - nhận định, nhà đầu tư chưa sử dụng hết sức mua, báo cáo hiện cho thấy tình hình margin (vay ký quỹ) chưa căng thẳng.

"Chúng ta nói nhiều về triển vọng nâng hạng, kinh tế vĩ mô khởi sắc nhưng cũng cần xem yếu tố nội tại tiến triển, mức độ hồi phục như thế nào. Điều này đang phản ảnh tâm lý nhà đầu tư hiện tại", bà Trang nhận định.

MỚI - NÓNG