‘Tuýt còi’ Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước vì có nội dung trái luật

0:00 / 0:00
0:00
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) kết luận kiểm tra đối với Thông tư 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) của Ngân hàng Nhà nước có nội dung trái pháp luật.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa có kết luận kiểm tra Thông tư 06 ngày 28/6/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Trong văn bản kết luận, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) nêu rõ: Tại điểm c khoản 6 Điều 1 Thông tư 06, NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) "phải có biện pháp phong toả số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay theo quy định của pháp luật, thoả thuận của các bên tại thoả thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm".

Tuy nhiên, pháp luật về biện pháp bảo đảm (theo Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP) chỉ quy định việc gửi tiền vào tài khoản phong toả tại một TCTD để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp ký quỹ, không có biện pháp phong toả số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay như quy định nêu trên của Thông tư 06.

‘Tuýt còi’ Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước vì có nội dung trái luật ảnh 1

Việc NHNN yêu cầu biện pháp phong toả số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là không phù hợp với quy định. (Ảnh: Hoàng Hà).

Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 101 năm 2012 của Chính phủ, về thanh toán không dùng tiền mặt thì tài khoản thanh toán bị phong toả một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản trong 3 trường hợp: Khi không có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền. Số tiền bị phong toả trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót; Khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.

“Như vậy, việc NHNN quy định biện pháp phong toả số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định 101/2012/NĐ-CP, cũng như hạn chế quyền lựa chọn biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ dân sự giữa các bên liên quan” – kết luận nêu.

Từ đó, cơ quan này kiến nghị NHNN khẩn trương xử lý các nội dung trái luật trên.

Vào cuối tháng 8 vừa qua, NHNN đã ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39 năm 2016 (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 TT06, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9).

Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG