Tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội: Mỗi trường ủng hộ một phương án

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội lâu nay luôn khiến học sinh căng thẳng.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội lâu nay luôn khiến học sinh căng thẳng.
TP - Sở GD&ÐT Hà Nội vừa đưa ra 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 -2020 thay vì một phương án đã công bố hồi tháng 4/2018 để lấy ý kiến rộng rãi các trường THCS. Thậm chí sở này còn cho phép các trường đề xuất phương án riêng để xem xét, trình UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, đến thời điểm này, lãnh đạo các trường THCS và THPT đang có nhiều ý kiến khác nhau.

3 phương án tuyển sinh vào lớp 10

Tháng 4/2018, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 hoàn toàn thay đổi so với phương án đã tồn tại cả chục năm nay. Cụ thể, học sinh thi tuyển vào lớp 10 năm tới sẽ phải làm 3 bài thi, bao gồm: Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp. Có hai phương án tổ hợp.

Tổ hợp 1 gồm các môn: Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử, Giáo dục công dân và Tổ hợp 2 gồm Ngoại ngữ, Địa lý, Sinh học, Hóa học. Trong đó, Toán, Ngữ văn sẽ thi bằng hình thức tự luận; Bài thi tổ hợp sẽ thi bằng hình thức trắc nghiệm. Mỗi phòng thi sẽ có nhiều mã đề khác nhau.

Về nội dung, kiến thức thi tuyển vào lớp 10 năm tới sẽ chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Với phương án này, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ thay đổi từ 2 môn Văn, Toán như lâu nay sang 6 môn. Theo lý giải của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội thì phương án này nhằm hướng tới giáo dục toàn diện, tránh học lệch, học tủ của học sinh.

Tuy nhiên, mới đây, ngoài phương án đã công bố hồi tháng 4, Sở GD&ĐT Hà Nội lại đưa thêm 2 phương án để xin ý kiến của các trường. Cụ thể, phương án 2 là thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ 4 thuộc 1 trong 6 môn (Vật lý, Sinh học, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Bài thi thứ 4 sẽ do Sở GD&ĐT công bố vào cuối tháng 3.

Phương án 3 là giữ nguyên như phương án tuyển sinh lâu nay: thi tuyển 2 môn Toán, Ngữ văn kết hợp xét tuyển điểm học bạ 4 năm THCS.

Ngoài 3 phương án trên, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT) cho rằng, các trường có thể đề nghị thêm phương án tuyển sinh vào lớp 10. Sở sẽ tổng hợp, trình UBND TP Hà Nội xem xét.

Thi hai môn không đảm bảo chất lượng

Sau khi công bố phương án tuyển sinh hồi tháng 4/2018, nhiều người cho rằng, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội vốn dĩ rất căng thẳng. Do mỗi năm Hà Nội chỉ đảm bảo khoảng 62% học sinh vào trường công lập, do đó việc thay đổi từ 2 môn thi lên 6 môn là quá sức, gây áp lực cho học sinh.

Sau khi có 3 phương án, GS.TS Đặng Quốc Thống, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm cho rằng, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 lâu nay gây căng thẳng cho học sinh. Vì vậy, không nên thi thêm quá nhiều môn sẽ khiến học sinh cảm thấy nặng nề, căng thẳng, không cần thiết.

Vì thế, ông Thống không ủng hộ phương án nào trong 3 phương án Sở GD&ĐT đưa ra mà đề nghị, chỉ nên thi 3 môn để tuyển sinh gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. “Riêng các trường ngoài công lập nên giao quyền tự chủ để trường nào có điều kiện sẽ thi tuyển riêng hoặc tự xét tuyển theo học bạ. Vì uy tín, chất lượng các trường sẽ phải làm tốt, trường làm ào ào sẽ phải trả giá”, ông Thống nói.

Ông Thống lý giải, dù có thi thêm môn nào khác ngoài 3 môn trên, học sinh cũng sẽ học để thi, học để đối phó trong khi đối với học sinh THCS kiến thức 3 môn trên là đủ để tiến tới THPT.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Anh Nghiêm Quý Bình cho rằng, ông ủng hộ phương án thi: Văn, Toán và bài tổ hợp 4 môn như đã công bố hồi tháng 4/2018 vì học sinh THCS phải học toàn diện. Ông Bình cho rằng, lâu nay Hà Nội chỉ thi 2 môn Văn, Toán khiến cho chất lượng học sinh lên THPT không đạt. “Kiến thức nhiều môn như: Lý, Hóa, Sinh bị hổng rất nhiều. Lên THPT giáo viên phải vất vả dạy lại bởi vì kiến thức các môn này liên quan đến nền tảng từ THCS”, ông nói.

Cũng theo ông Bình, tỉ lệ vào trường công lập của Hà Nội dù thi 2 môn hay 6 môn cũng chỉ đảm bảo tỉ lệ 62%. Trong khi học sinh hiện nay “thi gì học nấy” nên muốn đảm bảo toàn diện, chọn đúng chỉ có phương án thi nhiều môn.

Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú cho rằng, việc tuyển sinh chỉ bằng hai môn như lâu nay khiến học sinh bỏ bê hoàn toàn các môn khác, do đó ông ủng hộ một trong hai phương án còn lại. “Trong đó, với phương án thi ba bài Văn, Toán và tổ hợp, việc tổ chức bài thi tổ hợp sẽ khó khăn, vất vả. Hoặc phương án thi Văn, Toán, Ngoại ngữ và một môn nào đó cũng rất phù hợp”, ông Nhâm nói.

Ông Nhâm cũng cho rằng, việc lựa chọn thi 4 môn hay có thêm bài thi tổ hợp không phải là nguyên nhân khiến kỳ thi trở nên căng thẳng, áp lực. “Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào đề thi và do quá trình học tập của học sinh. Nếu cả quá trình không học, gần thi mới mải miết ôn thì căng thẳng là đúng”, ông Nhâm nói.

Trao đổi với Tiền Phong, Phó giám đốc Sở GD&ÐT Hà Nội ông Phạm Văn Ðại lý giải về việc bất ngờ đưa ra ba phương án tuyển sinh là nhằm lấy ý kiến rộng rãi cán bộ, giáo viên trong ngành, các nhà khoa học cũng như người dân để có phương án tối ưu nhất trong việc tuyển sinh vào lớp 10. Với nhiều ý kiến khác nhau, ông Ðại cho rằng, Sở GD&ÐT căn cứ vào đó để trình lãnh đạo TP. “Sở sẽ triển khai và sớm công bố, chậm nhất là vào tháng 3 năm 2019”, ông Ðại nói.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".