Học sinh “mù” thông tin về nguyện vọng
Một trong những điểm mới của tuyển sinh lớp 10 năm nay là sẽ không công bố số lượng học sinh đăng ký ở từng trường. Những năm trước, sau khi học sinh đăng ký các nguyện vọng (NV), Sở GD&ĐT Hà Nội công bố số lượng đăng ký dự tuyển cũng như tỷ lệ chọi cao-thấp cụ thể. Khi đó, học sinh thấy tỉ lệ chọi cao có thể điều chỉnh NV.
Năm ngoái, Trường THPT Kim Liên có tỉ lệ chọi 1/2,7 (tổng số đăng ký cả 2 nguyện vọng là 1.656, trong khi chỉ tiêu tuyển là 600); Trường THPT Yên Hòa có tỉ lệ chọi 1/2,5 (tổng số đăng ký cả 2 nguyện vọng là 1.870, chỉ tiêu tuyển là 720)… Tương tự, các trường tốp dưới cũng công bố tỉ lệ chọi để học sinh thay đổi NV phút chót nhằm tăng khả năng đỗ.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội năm nay dự kiến được tổ chức vào ngày 29- 30/5. Thành phố sẽ tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho toàn bộ học sinh với 4 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ 4, thay vì 3 bài thi như năm ngoái. Sẽ chỉ có 62% học sinh đỗ vào trường công.
Trước những điều chỉnh trong tuyển sinh lớp 10 năm nay, nhiều giáo viên cho rằng, học sinh sẽ “mù” thông tin về đăng ký NV, do đó dễ xảy ra tình trạng các em đổ dồn về một trường nào đó hoặc trường tốp đầu có thể giảm mạnh tỉ lệ chọi.
Có con đang học lớp 9, Trường THCS Khương Đình (Hà Nội), chị Dương Thị Thu Hà cho biết, với quy định NV1, NV2 phải cùng khu vực có hộ khẩu, con chị đều không đặt mục tiêu thi vào. Do đó, gia đình đang cân nhắc phương án đánh cược vào NV3. Để thực hiện phương án này, con chị sẽ tăng tốc ôn thi chỉ nhằm đăng ký NV duy nhất là NV3. Nhưng như vậy cũng có nghĩa con chị sẽ phải trả giá đắt nếu tỉ lệ chọi quá cao, con trượt NV này. “Khi đó, cửa trường công vĩnh viễn đóng với con. Nhiều người khuyên nên đặt nhiều NV để tránh rủi ro khiến gia đình rối bời”, chị Hà nói.
Nhiều phụ huynh có con học lớp 9 năm nay cũng cho biết, họ đang hoang mang, chưa chốt được NV nào, nhất là sau một thời gian nghỉ học kéo dài vì COVID-19. Một trong những căn cứ quan trọng nhất để xác định NV chính là năng lực học tập thì thời điểm này học sinh vừa quay lại trường, giáo viên chưa có đánh giá.
Không nên đánh cược NV3?
Bà Nguyễn Thị Xuân Oanh, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội), cho rằng, trước những điều chỉnh về tuyển sinh lớp 10, thời điểm này, học sinh, phụ huynh rất khó quyết định chọn NV, dù trước đó nhiều em đã đặt mục tiêu thi vào trường nào. Những năm trước, trường này có hơn 90% học sinh đỗ vào trường THPT công lập, trong đó học sinh giỏi rất quan tâm các trường tốp đầu và thi đỗ.
Tuy nhiên, năm nay với quy định NV1, NV2 chỉ được đăng ký trong khu vực có hộ khẩu, sẽ xuất hiện xu hướng học sinh đổ dồn về trường tốp đầu, tốp giữa trong cùng khu vực. Bà Oanh cho rằng, quy định mới về tuyển sinh khá bất ngờ nên gây khó khăn cho học sinh, nhất là học sinh giỏi ở những khu vực không có trường THPT tốp đầu. “Việc đánh cược tất cả cơ hội vào NV3 là điều khá nguy hiểm, chỉ có học sinh có năng lực thật nổi trội mới dám chắc chắn”, bà nói.
Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Phạm Văn Đại, cũng khuyên, năm nay học sinh nên cân nhắc trước khi đăng ký NV, vì sẽ không được thay đổi NV như những năm trước. Việc sắp xếp thứ tự ưu tiên các NV cũng rất quan trọng, vì NV2, NV3 sẽ có điểm tuyển sinh cao hơn NV1.
TPHCM đề xuất thay đổi cách tính điểm tuyển sinh lớp 10
Ngày 10/3, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết, Sở đang đề xuất UBND TPHCM về việc thay đổi cách tính điểm các môn thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022. Theo đó, cả 3 môn thi toán, văn, ngoại ngữ đều tính điểm hệ số 1 thay vì môn toán, văn nhân hệ số 2, môn ngoại ngữ chỉ tính hệ số 1 như hiện nay.
Ngoại ngữ đang dần có vị trí quan trọng trong việc phân loại, đánh giá học sinh. Bên cạnh đó, TPHCM có đề án phát triển ngoại ngữ, mong muốn học sinh đạt được chuẩn quốc tế sau khi tốt nghiệp THPT, đủ điều kiện để tiếp cận chương trình bậc đại học ở các nước, có thể du học. Thời lượng học môn Ngoại ngữ ở các trường THPT đã tương đương môn Toán, Ngữ văn.