Kỳ thi riêng do cơ sở đào tạo ĐH tổ chức có thể chia thành 3 loại: tổ chức riêng cho trường, tổ chức cho nhóm ngành cùng xét tuyển và thi năng khiếu đặc thù. Trong đó, kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia có hàng trăm trường lấy kết quả xét tuyển; kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội có trên 20 trường ĐH lấy kết quả xét tuyển, chủ yếu là các trường khối kỹ thuật, công nghệ. Kỳ thi năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 8 trường sư phạm trên toàn quốc công nhận kết quả để xét tuyển… Hiện nay, nhóm trường được dư luận quan tâm nhất là Y dược. Hiện duy nhất có Trường ĐH Cửu Long tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển hệ chính quy một số ngành Y dược là Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học. Thí sinh sẽ tham gia 3 bài thi Toán, Hoá học, Sinh học. Điểm thi tính theo thang điểm 30. Trường tổ chức 2 đợt thi vào tháng 5 và tháng 10.
Các kỳ thi riêng đang khiến nhiều thí sinh bối rối. Ảnh: Nghiêm Huê. |
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết, nhà trường ưu tiên lấy kết quả kỳ thi để xét tuyển năm nay và năm 2024. Tuy nhiên, có chỉ tiêu lên, mở rộng sang các ngành học khác ngoài Y khoa đối với phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả thi tốt nghiệp. Từ năm 2025, Trường ĐH Y Hà Nội xem xét lựa chọn một trong hai phương án: có một kỳ thi chung giữa các trường Y dược hoặc nhà trường tổ chức một kỳ thi riêng đối với những ngành có tính cạnh tranh cao.
GS Tú cho hay, Trường ĐH Y Hà Nội ưu tiên phương án có một kỳ thi chung giữa các trường Y dược vì thuận lợi cho thí sinh, chống ảo cho các trường. Nếu các trường Y dược không thống nhất tổ chức kỳ thi riêng, nhà trường lựa chọn phương án tổ chức kỳ thi cho những ngành có tính cạnh tranh cao như Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền…, những ngành còn lại sẽ xét tuyển.
Không nên dựa vào tính đặc thù để tổ chức thi riêng
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ đề nghị các trường dù tuyển sinh theo phương thức nào cũng cần đánh giá, phân tích tương quan giữa các phương thức, kết quả tuyển sinh, kết quả học tập, từ đó rút kinh nghiệm, đưa ra các phương thức phù hợp, bảo đảm công bằng cho thí sinh và chất lượng đầu vào.
“Nhiều kỳ thi riêng có tạo áp lực cho thí sinh hay không? Phải nói rằng mỗi kỳ thi có đặc thù riêng. Nhưng các kỳ thi này phân bổ cả 2 miền, từng vùng miền đã chia ra theo lĩnh vực. Tôi vẫn khuyên thí sinh không nhất thiết phải tham gia nhiều kỳ thi. Các em chỉ cần tham gia 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT và 1 kỳ thi riêng là đủ. Vì kỳ thi nào cũng sẽ tập trung đánh giá năng lực, kết quả học tập bậc phổ thông, do đó không phải tham gia nhiều kỳ thi sẽ tạo thêm áp lực cho thí sinh”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói. Theo ông, hiện đang đặt quá nhiều yêu cầu vào các ngành đặc thù. Thực tế, các nhóm ngành tuyển sinh đều dựa trên những môn khoa học cơ bản. Vì vậy, không nhất thiết mỗi lĩnh vực lại có 1 kỳ thi riêng.
Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định thời gian tới sẽ không có quá nhiều kỳ thi riêng. Bởi các trường khi tổ chức cũng cần tính đến hiệu quả của kỳ thi, chỉ dừng lại ở 1-2 kỳ thi là tốt nhất.