Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vừa chính thức thông báo kế hoạch tổ chức kì thi đánh giá năng lực năm 2024 và danh sách 9 trường ĐH công nhận và sử dụng kết quả kì thi riêng này để xét tuyển. Năm nay Trường ĐH Y dược Thái Bình là trường không đào tạo sư phạm sử dụng kết quả kì thi này để tuyển sinh. Các trường còn lại gồm: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Vinh và Trường ĐH Quy Nhơn.
Ban Tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng thông tin ngoài 2 phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển học sinh giỏi bậc THPT và xét tuyển dựa vào kết quả kì thi tốt nghiệp THPT, các trường quân đội có thêm 2 phương thức xét tuyển mới.
Thứ nhất, xét tuyển dựa vào học bạ THPT không quá 10% chỉ tiêu cho các đối tượng đã tốt nghiệp THPT có điểm tổng kết chung từng năm học THPT đạt từ 7,0 trở lên và điểm tổng kết các môn thuộc tổ hợp xét tuyển của trường từng năm học đạt từ 7,5 điểm trở lên.
Riêng đối với tuyển sinh tại Học viện Kỹ thuật quân sự và Học viện Quân y, căn cứ mục tiêu yêu cầu đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, giám đốc học viện báo cáo, đề xuất trưởng Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng về việc sử dụng phương thức này để xét tuyển.
Thứ hai, xét tuyển từ kết quả kì thi đánh giá năng lực do 2 ĐH quốc gia tổ chức không quá 20% chỉ tiêu. Thí sinh được tham gia xét tuyển tất cả các phương thức tuyển sinh của trường. Theo Ban Tuyển sinh quân sự, thí sinh đăng ký xét tuyển vào đào tạo ĐH, cao đẳng quân sự phải qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn quy định của Bộ Quốc phòng.
Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2024 Ảnh: Diệp An |
Thí sinh chỉ được làm hồ sơ sơ tuyển vào một trường quân đội. Trong thời gian đăng ký xét tuyển, thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sang trường quân đội khác trong nhóm mà Bộ Quốc phòng quy định. Nhóm 1, gồm các học viện: Hậu cần, Hải quân, Biên phòng, Phòng không - Không quân (hệ chỉ huy tham mưu) và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Đặc công, Pháo binh, Tăng thiết giáp, Phòng hóa, Thông tin, Công binh. Nhóm 2, gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết hiện có khoảng trên 40 trường ĐH đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy của ĐH này để tuyển sinh năm nay. Ở khối quân sự, Học viện Kỹ thuật Quân sự sẽ lấy điểm kì thi này để xét tuyển theo hợp tác toàn diện giữa ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Kỹ thuật Quân sự. Đối với kì thi đánh giá năng lực của 2 ĐH quốc gia, hiện cũng đã có hàng chục đến hàng trăm trường ĐH đăng kí sử dụng kết quả để tuyển sinh.
Cân nhắc vì quyền lợi của thí sinh
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT khẳng định, trường ĐH tuyển sinh bằng phương thức nào thì điều quan trọng nhất chính là phải đảm bảo được chất lượng đầu vào của thí sinh đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo, đồng thời đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh ứng tuyển.
PGS Nguyễn Thu Thủy cho rằng trường ĐH cũng nên tránh sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển không cần thiết, có thể gây khó khăn, rắc rối đối với thí sinh.
“Đối với các trường ĐH đào tạo các ngành không có mức độ cạnh tranh quá cao, việc các thí sinh đạt một ngưỡng kết quả học tập (thể hiện qua điểm thi tốt nghiệp THPT hay học bạ) là có thể vào học được, các em cũng không gặp phải khó khăn gì khi theo học”, bà Thủy nói.
Những trường ĐH có mức độ cạnh tranh cao, theo bà Thủy, cần có sự đối sánh công bằng, cần một mặt bằng chung tin cậy ở mức cao để xét tuyển, từ cao xuống thấp. Do vậy, các trường có thể sử dụng kết quả kì thi tốt nghiệp THPT hoặc cần 1 kì thi tuyển sinh riêng như đánh giá tư duy, đánh giá năng lực,… Hoặc các trường có đào tạo các ngành đặc thù thì cần các kì thi năng khiếu riêng.
Bà Thủy cho rằng, kết quả học tập ở bậc THPT của các thí sinh là một trong các kênh thông tin quan trọng để đánh giá năng lực, khả năng học tập, tiếp thu kiến thức và triển vọng tiếp tục học tập ở các bậc học cao hơn.
“Theo tôi, đối với những trường quan tâm nhiều đến chất lượng và sự công bằng đối với thí sinh thì phương thức xét tuyển sớm không mang lại hiệu quả nhiều lắm, mà lại khó đảm bảo sự công bằng. Việc dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm có thể bỏ lỡ mất các thí sinh giỏi khi các em đặt nguyện vọng trong Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung”, bà Thủy phân tích. Đồng thời cho hay, trường ĐH cần ưu tiên việc phân tích so sánh tương quan kết quả học tập ở bậc ĐH với các phương thức xét tuyển đầu vào, từ đó lựa chọn phương thức xét tuyển khoa học, phù hợp, công bằng với thí sinh, phù hợp với các đặc trưng riêng của nhà trường.