Tuyển sinh đại học 2021: Thí sinh được đổi nguyện vọng 3 lần

0:00 / 0:00
0:00
GS.TSKH Nguyễn Ðình Ðức, Trưởng ban Ðào tạo, ÐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Nghiêm Huê
GS.TSKH Nguyễn Ðình Ðức, Trưởng ban Ðào tạo, ÐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Nghiêm Huê
TP - Ngày 25/3, Bộ GD&ÐT tổ chức hội nghị Tuyển sinh đại học (ÐH), cao đẳng sư phạm (CÐSP) năm 2021 tại 4 điểm cầu Hà Nội, Ðà Nẵng, Cần Thơ, TPHCM. Nhiều điểm mới có lợi cho thí sinh đã được công bố.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐH), cho hay, mùa tuyển sinh năm 2021 sẽ có một số thay đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, đồng thời hạn chế những sai sót không đáng có. Thí sinh được đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ theo một trong hai hình thức: bằng phiếu hoặc trực tuyến tại những nơi có điều kiện. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 3 lần trong thời gian quy định, theo phương thức trực tuyến. Bộ GD&ĐT cũng bổ sung yêu cầu về điểm trúng tuyển theo diện “đặt hàng” tại các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.

Theo đó, với thí sinh diện “đặt hàng”, điểm trúng tuyển có thể thấp hơn nhưng không quá 1 điểm so với điểm trúng tuyển của ngành đào tạo, tính theo thang điểm 30 và không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng theo quy định chung của ngành tuyển sinh. Thí sinh theo diện này phải là người có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm bậc THPT tại địa phương. Địa phương phải có cam kết sử dụng những sinh viên này sau khi tốt nghiệp. Điểm mới nữa là việc sử dụng phiếu kết quả thi THPT để xác nhận nhập học. Tránh tình trạng “giữ chỗ”, Bộ GD&ĐT đề xuất thí sinh phải gửi bản chính giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nhập học. Như vậy, thí sinh sẽ không thể tham gia xét tuyển ở các cơ sở đào tạo khác.

Tuyển sinh đại học 2021: Thí sinh được đổi nguyện vọng 3 lần ảnh 1

Năm nay, lệ phí xét tuyển ÐH giảm 5.000đồng/nguyện vọng. Ảnh: Diệp An

Thí sinh cũng được tự chủ

Một điểm mới dự kiến được đưa vào quy chế tuyển sinh sửa đổi năm nay, là thay vì chỉ điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học 1 lần sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể được thay đổi 3 lần theo hình thức trực tuyến. Đại diện Bộ GD&ĐT lý giải, thay đổi này nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, giúp các em có thêm cơ hội để cân nhắc các nguyện vọng xét tuyển.

Đại diện nhiều trường đại học như Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân, Y Hà Nội... cũng ủng hộ điều chỉnh này với lý do nhằm tạo thuận lợi hơn cho người học. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, việc cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến là điểm mới rất tích cực, giúp công tác tuyển sinh trở nên nhẹ nhàng, nhanh gọn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, theo ông Đức, việc cho phép thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần là quá dài, gây ảnh hưởng thời gian tuyển sinh. Do đó, ông đề xuất, chỉ nên điều chỉnh 2 lần.

Tại hội nghị, đại diện các trường, Sở GD&ÐT và Bộ GD&ÐT trao đổi và đề xuất, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mức thu lệ phí đăng ký xét tuyển nên đồng giá 25.000đồng/nguyện vọng, giảm 5.000 đồng so với năm trước.

TS. Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, cho rằng, việc điều chỉnh nhiều lần có thể gây ra sự phân tâm cho thí sinh. PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, đề xuất giữ ổn định kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH đến 2025. Ông Triệu dự đoán xu thế tự chủ của các trường ngày càng mạnh, sự phụ thuộc vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ngày càng giảm.

“Vài năm tới, sự phát triển của các trung tâm khảo thí quốc gia tương tự như trung tâm của 2 ĐH Quốc gia tạo điều kiện cho các trường ĐH có nhiều lựa chọn và có độ tin cậy cao. Vì chức năng của kỳ thi tốt nghiệp là để xét tốt nghiệp, các trường không còn quá lo lắng về kỳ thi này. Thí sinh cũng có sự tự chủ lựa chọn ngày càng cao”, ông Triệu nói. Ông Đức cho rằng vẫn cần sự cầm trịch của Bộ GD&ĐT trong tuyển sinh. Trong tương lai, phải có các trung tâm khảo thí độc lập là đương nhiên nhưng ma trận đề, đề thi phải tương đương nhau nên sẽ không thể thiếu vai trò chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, năm 2021, tiếp tục giữ ổn định quy chế, phương thức tổ chức, phối hợp giữa các trường với Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT. Đối với trường tổ chức thi riêng, đề nghị các cơ sở đào tạo ĐH từng bước hợp tác ở các cấp độ khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh không phải đi nhiều lần, nhiều nơi, có thể sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của nhau, trên tinh thần hợp tác, đồng thuận.

MỚI - NÓNG