Tuyển sinh Đại học 2020: Thí sinh có nên 'đặt cược' ở nhiều cửa?

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 Ảnh: Như Ý
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 Ảnh: Như Ý
TP - Năm nay, thí sinh vẫn được đăng ký xét tuyển đại học (ĐH) không giới hạn nguyện vọng. Trong khi đó, các trường cũng đưa ra rất nhiều phương thức tuyển sinh để thí sinh lựa chọn. Nhưng làm thế nào để nhiều mà không loạn là bài toán khó đối với thí sinh đăng ký xét tuyển sắp tới.

Lưu ý những phương thức mới

Hiện đã có một số trường ĐH công bố phương án tuyển sinh năm 2020, số khác đưa ra phương án dự kiến. Điểm chung có thể nhận thấy, so với mọi năm, mùa tuyển sinh năm nay phương án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH phong phú, đa dạng hơn rất nhiều. Các trường đều có từ 3 đến 5 phương thức tuyển sinh. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa dự kiến có 3 phương thức tuyển sinh: xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong các phương thức này, PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh của trường lưu ý phương thức xét tuyển kết hợp.

Theo đó, Hội đồng tuyển sinh của trường chính thức chốt phương án thi bổ sung dưới hình thức một bài kiểm tra tư duy theo yêu cầu đặc thù của khối ngành kỹ thuật. Nội dung bài thi được thiết kế gọn gồm 2 phần: toán và đọc hiểu, thời gian làm bài 120 phút. Thời gian thi được ấn định vào ngày 15/8 thay vì 25/7 như dự kiến ban đầu. Điểm bài thi được sử dụng kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT (Toán - Lý hoặc Toán - Hóa) để xét tuyển.

Phương thức xét tuyển kết hợp này chỉ áp dụng cho khối ngành kỹ thuật và kinh tế, dự kiến lấy từ 30 - 35% chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Đối với phương thức tuyển thẳng, ngoài các đối tượng theo quy định của Bộ GD&ĐT, trường còn bổ sung thêm xét tuyển theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn đối với những học sinh trường chuyên (hệ chuyên các môn phù hợp), học sinh đoạt giải thi học sinh giỏi từ cấp tỉnh trở lên, học sinh có các chứng chỉ quốc tế và học sinh có thành tích xuất sắc trong những lĩnh vực khác.

Trường đã rà soát, phân tích dữ liệu để đưa ra phương thức tuyển sinh này. Những học sinh thuộc những đối tượng trên đỗ vào trường đều có kết quả học tập tốt. Phương thức xét tuyển tài năng còn dành cho những học sinh có năng khiếu, kết quả học tập tốt có thể đỗ vào trường dựa trên xét hồ sơ năng lực và phỏng vấn. Trường sẽ lựa chọn để xây dựng hồ sơ năng lực cá nhân dựa vào thư giới thiệu của giáo viên dạy các em, đồng thời đánh giá qua phỏng vấn để lựa chọn những thí sinh có năng lực, có nguyện vọng theo học ngành phù hợp.

PGS.TS Lê Thị Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Thương mại) cho hay, phương án tuyển sinh của trường này cơ bản giữ ổn định như năm 2019. Tuy nhiên, có một số điểm mới thí sinh cần lưu ý vì ảnh hưởng đến quyền lợi. Cụ thể, bổ sung tổ hợp D07 (Toán, Anh, Hóa) và tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) đối với các ngành đào tạo đại trà. Đáng chú ý, ngành Tiếng Anh thương mại, vốn chỉ tuyển 1 tổ hợp duy nhất là D01 (Toán, Văn, Anh) thì năm nay, mở rộng cơ hội cho thí sinh bằng 2 tổ hợp nêu trên.

Điểm mới nữa là trước đây  thí sinh đã trúng tuyển vào trường mới được đăng ký Chương trình đào tạo đặc thù, năm nay cho phép tuyển sinh song song với đào tạo đại trà. Ngoài ra, trường ĐH Thương mại cũng mở rộng đối tượng ưu tiên xét tuyển thẳng. Theo đó, những năm trước chỉ xét tuyển thẳng học sinh giành giải nhất, nhì, ba học sinh giỏi quốc gia môn Toán, Tiếng Anh, Lý, Hóa, năm nay thêm giải khuyến khích nếu đạt ngưỡng đảm bảo của trường.

Dù các trường đều có nhiều phương thức tuyển sinh hơn so với mọi năm nhưng thí sinh có thể đăng ký xét tuyển song song các phương án nếu đủ điều kiện.   PGS.TS Trần Trung Kiên nêu ví dụ, như ngành Công nghệ thông tin, một thí sinh có thể đăng ký cùng lúc 2 phương thức xét tuyển là kết quả thi tốt nghiệp và kết hợp bài kiểm tra tư duy theo số thứ tự nguyện vọng ưu tiên. Đây là mở rộng điều kiện cho thí sinh trúng tuyển vào trường.

Bao nhiêu nguyện vọng là đủ

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) thông tin, năm nay thí sinh được đăng ký không hạn chế số lượng nguyện vọng. Đối với các trường ĐH, Bộ vẫn hỗ trợ lọc ảo đợt 1 của mùa tuyển sinh. Thống kê qua các năm của Bộ cho thấy, trong đợt 1 xét tuyển, thí sinh trúng tuyển chủ yếu ở 1-3 nguyện vọng đầu tiên. Đây là những nguyện vọng được thí sinh cân nhắc rất kỹ và thường là những nguyện vọng yêu thích nhất. Vì vậy, nhiều thí sinh dù trúng tuyển ở nguyện vọng xa hơn cũng không nhập học. “Do đó, thí sinh nên tập trung, đầu tư vào mục tiêu chính, không đặt quá nhiều “cửa”. Theo tôi, thí sinh chỉ cần đăng ký dưới 10 nguyện vọng là đủ”, bà Thủy nói.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Lê Thị Thanh Hải cho rằng, năm nay, độ phân hóa của đề thi tốt nghiệp không cao nên mức điểm như nhau sẽ nhiều. Vì vậy tại ngưỡng điểm trúng tuyển dễ xảy ra tình trạng có nhiều thí sinh bằng điểm nhau. Sau khi xét tiêu chí phụ của trường sẽ có lọc ảo của Bộ theo thứ tự nguyện vọng ưu tiên nên có thể xảy ra tình huống thí sinh đạt điểm chuẩn nhưng vì đăng ký nguyện vọng xa quá nên không trúng tuyển vào trường.   

 Những năm trước, đã có tình trạng thí sinh đăng ký đến 50 nguyện vọng. Điều này sẽ gây lãng phí cho gia đình và gây khó khăn cho các trường khi tiến hành lọc ảo. Do đó, thí sinh cần cân nhắc số lượng nguyện vọng. Vì sau khi biết kết quả thi, thí sinh còn một lần điều chỉnh nguyện vọng.

MỚI - NÓNG