Tuyển sinh 2020: Không được sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp để xét tuyển/ngành

Tuyển sinh 2020: Không được sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp để xét tuyển/ngành
TPO - Năm nay, tuyển sinh  ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành mầm non sẽ có nhiều thay đổi.

Quán triệt chỉ đạo của Chính phủ về thi tốt nghiệp THPT 2020, các địa phương chủ trì tổ chức thi THPT nghiêm túc, Bộ GD&ĐT ra đề thi, các trường ĐH và các bên giám sát, thanh tra...

Các trường có thể sử dụng kết quả điểm thi THPT để làm căn cứ xét tuyển;
Bộ GD&ĐT hỗ trợ cơ sở dữ liệu, thí sinh đăng ký xét tuyển, các trường xét tuyển và lọc ảo đợt 1;

Các trường có thể tuyển sinh nhiều lần trong năm.

Các trường tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội về công tác tuyển sinh.

Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH; tuyển sinh trình độ CĐ ngành Giáo dục Mầm non (2020) vừa được ban hành có quy định cụ thể về điều kiện tổ chức thi, kiểm tra riêng để tuyển sinh (thi các môn văn hóa, đánh giá năng lực, năng khiếu,… hoặc kết hợp). Điều chỉnh pháp luật này được đánh giá sát với thực tế, đảm bảo chất lượng đầu vào và nâng cao trách nhiệm của các trường.

Tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh các hình thức đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển (ĐKXT).

Việc điều chỉnh đề án tuyển sinh ĐH chính quy theo lịch do Bộ GD&ĐT quy định. Các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (có thể quy định sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT), nhưng phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển và công bố trong đề án.

Về nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các bài thi (môn thi) để xét tuyển, quy chế yêu cầu thực hiện theo nguyên tắc: sử dụng kết quả của 3 bài thi/tổ hợp, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển; các bài thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là một tổ hợp).

Đối với các trường, ngành có thi năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/tổ hợp, trong đó, có ít nhất một bài thi là Toán hoặc Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển. Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.

Về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, căn cứ kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ ĐH; ngành Giáo dục Mầm non trình độ CĐ;  nếu không sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường lựa chọn việc thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Trường hợp xét tuyển từ điểm sơ tuyển, thi tuyển do trường tổ chức với điểm thi THPT hoặc kết quả học tập THPT thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phải thực hiện theo quy định.

Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định. Cụ thể ngưỡng này phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh. Thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về quy trình, cơ sở xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với Bộ GD&ĐT và xã hội.

Những quy định trong ĐKXT, điều chỉnh nguyện vọng liên quan đến thí sinh vẫn không thay đổi. Mỗi thí sinh nếu ĐKXT vào nhiều trường/ngành, việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng; thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký...

Bộ cũng đưa ra một số lưu ý. Đó là quy định trong trường hợp số thí sinh ( của 2 nhóm ngành đào tạo giáo viên, nhóm ngành sức khỏe) trúng tuyển không đủ điều kiện để tổ chức lớp học. Hội đồng tuyển sinh trường chỉ gửi thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học khi thí sinh đáp ứng đủ các điều kiện tuyển sinh theo quy định: các trường không tuyên bố trúng tuyển trước khi tốt nghiệp để tránh trường hợp thí sinh chưa tốt nghiệp THPT đã có giấy thông báo trúng tuyển.

Điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo quy chế này là Bộ GD&ĐT nêu chi tiết nhiều nội dung đối với các trường tổ chức thi riêng để lấy kết quả xét tuyển, gồm thi các môn văn hóa, thi đánh giá năng lực, hình thức thi khác hoặc kết hợp một số hình thức thi phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu của Bộ GD&ĐT.

Quy chế tuyển sinh 2020 quy định chung cho các nhóm đối tượng tuyển sinh trình độ ĐH, tuy nhiên do đặc thù khác nhau của từng đối tượng thí sinh nên quy chế có các chương riêng quy định điều kiện tham dự xét tuyển, tuyển sinh cho từng nhóm. Cụ thể Quy chế bổ sung thêm các nhóm đối tượng thí sinh được tham dự xét tuyển hoặc dự thi ĐH, CĐ gồm: 

Học sinh học chương trình nước ngoài, tại trường THPT ở Việt Nam được tham gia tuyển sinh. Với điều kiện, chương trình đó đã được nước sở tại công nhận và đạt trình độ tương ứng trình độ THPT của Việt Nam;

Thí sinh là người nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường ĐH, CĐ Việt Nam: hiệu trưởng các trường ĐH căn cứ kết quả học tập THPT của học sinh (bảng điểm), kết quả kiểm tra kiến thức và năng lực tiếng Việt  để xem xét, quyết định cho vào học.

Ngoài ra, đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ yêu cầu các cơ sở GD ĐH phối hợp tốt với địa phương, sở GDĐT mà trường được phân công làm việc (thanh tra, giám sát…) với tinh thần trách nhiệm cao, chia sẻ với khó khăn của địa phương.

Năm nay, quy chế cũng quy định chế tài chặt chẽ đối với các trường vi phạm, đối với cán bộ, công chức, người lao động và thí sinh vi phạm, đặc biệt là thí sinh gian lận, liên quan đến gian lận trong thi, tuyển sinh… để nâng cao tính tuân thủ pháp luật trong điều kiện thực hiện tự chủ ĐH. Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 71 của Luật GDĐH nếu có vi phạm.

MỚI - NÓNG