TPO - Tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên đã thông suốt toàn tuyến và toàn bộ đường hầm dài 2,6 km nối liền 3 nhà ga ngầm, gồm Bến Thành-Nhà hát TPHCM-Ba Son. Hiện tại, các đoạn đường ray trên cao cũng đã hoàn thiện.
Tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên dài 19,7km từ depot Long Bình (Suối Tiên) đến ga trung tâm Bến Thành.
Hiện nay, metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã thông suốt toàn bộ tuyến.
Dự án được khởi công từ tháng 8/2012.
Metro Bến Thành-Suối Tiên có 4 gói thầu chính đang triển khai, bao gồm: 3 gói thầu xây lắp (gói thầu số 1a, 1b xây dựng đoạn ngầm), gói thầu số 2 (xây dựng đoạn trên cao) và gói thầu số 3 (thiết bị, đầu máy toa xe).
Đến nay, khối lượng toàn dự án đã đạt 71%.
Đoạn trên cao (gói thầu số 2) đã thông tuyến vào tháng 6/2018.
Cầu Sài Gòn của tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên hợp long vào tháng 9/2016.
Đoạn ngầm của dự án gồm: Gói thầu số 1b với 2 ga ngầm Nhà hát TPHCM và Ba Son khởi công từ tháng 8/2014.
Đoạn hầm này được thi công bằng công nghệ khiên đào (TBM) gồm 2 ống hầm dài 781m đã thông vào tháng 6/2018.
Gói thầu số 1a gồm ga Bến Thành khởi công từ tháng 11/2016 đến nay đạt được 65% khối lượng.
Tổng mức đầu tư ban đầu của tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên là 47.000 tỷ đồng.
Sau khi tổng rà soát lại toàn bộ các hạng mục công trình, loại bỏ những yếu tố không cần thiết, tổ chức tiết kiệm đấu thầu, đấu giá trong các chi phí, thay vì 47.000 tỷ đồng thì TPHCM đã tiết kiệm được 3.400 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư của dự án sau khi điều chỉnh là 43.600 tỷ đồng.
Tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên từ ngày triển khai đến nay đã kéo dài gần 10 năm dù dự kiến chỉ thực hiện trong 5 năm.
Thời gian triển khai dự án rất dài và trong điều kiện chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng, cũng như chưa có cơ sở thực tiễn để triển khai thực hiện dự án metro nên trong quá trình triển khai thực hiện có những vướng mắc nhất định về pháp luật, về những cơ sở để xem xét lựa chọn…
TPHCM đang cùng các nhà đầu tư, đơn vị thi công tập trung khẩn trương triển khai thực hiện dự án để kết thúc vào cuối năm 2021.
Trong năm 2020, TPHCM sẽ đưa Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị TPHCM đi vào hoạt động.
Hiện nay, TPHCM đã có quyết định thành lập công ty, bổ nhiệm lãnh đạo công ty, bộ máy công ty, đang tuyển dụng nhân viên để đưa đi đào tạo, đã bố trí vốn để công ty hoạt động, chuẩn bị cho công tác vận hành tuyến metro số 1 vào năm 2021.
Các đoàn tàu của tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành-Suối Tiên đã sản xuất xong, đang chạy thử nghiệm tại Nhật Bản trước khi được đưa về vận hành thử nghiệm tại TPHCM trong năm 2020.
Tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên dự kiến sẽ đưa vào vận hành kỹ thuật đoạn trên cao từ ngã tư Bình Thái về Depot Long Bình (quận 9) trong năm 2020.
Để chuẩn bị cho quá trình vận hành kỹ thuật, công tác thi công gói thầu CP2 “Đoạn trên cao và Depot" thuộc của tuyến metro số 1 do Liên danh nhà thầu Sumitomo - Cienco 6 thực hiện đến nay đã đạt hơn 82% khối lượng và cam kết đạt 90% khối lượng trong năm 2020.
Các hạng mục xây dựng tại Depot Long Bình hiện nay đang dần hoàn thiện từng bước, chuẩn bị cho công tác nhập khẩu đoàn tàu về Việt Nam, sau đó các đoàn tàu sẽ được đưa về Depot Long Bình.
Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 đã được thành lập với vai trò quản lý, khai thác. Mới đây, công ty này đã thông báo tuyển dụng 180 lái tàu để đưa đi đào tạo, sẳn sàng cho việc vận hành dự án sau khi hoàn thành.
Tàu metro do Nhật Bản sản xuất. Những đoàn tàu metro ban đầu sẽ có 3 toa xe (chiều dài 61,5 m), sau đó là 6 toa (dài 121,5 m).
Tàu có tải trọng trục lớn nhất 16 tấn, thiết kế với tốc độ tối đa 110 km/giờ cho đoạn trên cao và 80 km/giờ cho đoạn hầm.
Với tàu 3 toa xe sẽ vận chuyển được 147 khách ngồi và 783 khách đứng (tổng cộng 930 khách).
Trong quá khứ, tuyến metro Bến Thành-Suối TiênTiên từng "trầy trật" vì vốn.
Theo UBND TPHCM, dự án tuyến metro số 1 được “thai nghén” vào năm 2006. Đến năm 2007, UBND TPHCM duyệt với tổng mức đầu tư gần 17.400 tỷ đồng (hơn 126.500 triệu Yên Nhật), thuộc nhóm A, không phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.
Năm 2009, tư vấn chung của dự án đã tính toán và xác định lại, tổng mức đầu tư hơn 47.300 tỷ đồng (hơn 235.500 triệu Yên Nhật), tức đội vốn gần 30.000 tỷ đồng. Tháng 8/2011, sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, Thủ tướng cho phép UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư mới là hơn 47.300 tỷ đồng. Tại thời điểm này, theo quy định của Luật Đầu tư công thì dự án phải thuộc diện trình lại Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng Thủ tướng vẫn cho phép TPHCM tiếp tục thực hiện dự án vì có phát sinh tiêu chí công trình trọng điểm.