1. Khi bàn thắng đã đến gần như thế mà vẫn không thể trở thành hiện thực, vì cả sự xuất sắc của Hugo Lloris lẫn sự tàn nhẫn của khung gỗ, hiển nhiên là có đầy đủ lý do để tiếc nuối cho “Đàn đại bàng sông Rhine”. Không thể phủ nhận là họ đã bị chơi khăm bởi vận số, để không thể lặp lại chiến tích của chính mình thời đại huy hoàng 1972-1974.
Hiếm đội bóng nào ở EURO này có thể đứng vững và hóa giải sức tấn công “lấp sông xẻ núi” của địch thủ bình tĩnh như thế, để giằng lại hoàn toàn thế trận từ tay một Les Bleus đang cực kỳ phấn khích. Sau 15 phút đầu “chịu trận”, thực tế chứng minh rằng Đức vẫn là đội sở hữu hàng công toàn diện nhất, với quá nhiều phương án xử lý biến ảo.
Thế nhưng, toàn diện nhất lại không phải là đáng sợ nhất. Sự im lặng tiếp nối của Thomas Mueller ở đấu trường EURO vĩnh viễn sẽ là một mệnh đề không thể lý giải. Chỉ cần một lần anh thành công thôi, có thể quả phạt đền oan nghiệt dành cho lỗi lầm của Bastian Schweinsteiger sẽ không bao giờ đến, và cuộc chơi sẽ lại được đóng sập một cách gọn ghẽ như World Cup mùa hè 2014.
2. Tuy nhiên, các học trò của Joachim Loew có thể trách ai về điều đó, ngoại trừ chính mình? Những cuộc thượng đài trên đỉnh cao danh vọng không thương xót bất cứ sai lầm nào, mà việc không nắm được cơ hội cũng chính là sai lầm không thể tha thứ.
Tương tự như vậy, nếu có thể than trách về thứ vận đen đã lần lượt cướp đi sự phục vụ của cả cặp “sĩ tượng” chính thức (Hummels – Boateng), thì cánh tay giơ lên vô duyên của Schweinni lại phải trả một cái giá quá đắt.
Nói cho cùng, khi hàng công không đủ lạnh lùng và sắc bén, còn hàng thủ không đủ vững vàng và tỉnh táo, thì đúng như lời Joachim Loew: “Họ thắng 2-0, tức là họ xứng đáng!”.
Cánh tay giơ lên vô duyên của Schweinni lại phải trả một cái giá quá đắt.
3. Hãy thử đặt giả thiết, gạt sang bên mọi lời nguyền của số mệnh, có cách nào để người Đức vẫn khiến khúc La Marseillaise nhuốm màu bi tráng không?
Có!
Đó chính là cách mà Platini cùng đồng đội từng hai lần ôm hận liên tiếp trước Rummenigge ở hai trận bán kết World Cup đầu thập niên 1980.
Đó là sự kích hoạt và bộc phát của thứ tinh thần Germany cổ điển. Là những bước quân hành đầy sát khí.
Là sắt đá đối chọi với cuồng nhiệt. Bóng đá, thực ra, được quyết định rất nhiều bởi những khía cạnh trong đầu, chứ không phải chỉ đôi chân.
Song, điều ấy đã khá xa xôi rồi. Những cuộc lội ngược dòng phi thường đã bị đánh đổi lấy sự quyến rũ và tươi trẻ của cuộc cách mạng mà Juergen Klinsmann khởi xướng. Die Mannschaft, kể từ mùa hè 2006, đã luôn thiếu cả những “con sói đầu đàn”, lẫn thứ khí chất của những người đàn ông trưởng thành. Michael Ballack, khi còn thi đấu, chưa từng được so sánh với những Matthias Sammer hay Oliver Kahn, về khả năng thúc giục các đồng đội. Mà bao năm rồi, Schweinni cũng chẳng thay thế được anh.
Và đó mới là điểm cốt yếu, để họ không có cách gì tránh khỏi tình cảnh của những người hùng mạt lộ. Ngược lại, ở phần sân bên kia, chưa một thứ sức ép tâm lý ngược nào từ các khán đài kịp làm khó đoàn quân của Didier Deschamps.