> Hơn 400/500 thí sinh nói có gian lận thi cử
> Gian lận thi cử và thói dối trá trong xã hội
Điều này cho thấy mặt nào đó lãnh đạo Bộ đã thừa nhận tình trạng gian lận ở các kỳ thi nói riêng, trong giáo dục nói chung đã đến mức báo động.
Trong khi đó, ở nhiều trường ĐH, lãnh đạo nhà trường và sinh viên (SV) đang có những động thái tuyên chiến với tình trạng không trung thực trong giáo dục.
“Tôi học thật”
Giữa tháng 3 vừa qua, hơn 400 SV các trường ĐH tại TP.HCM tham gia hội thảo “Facebook and face a book”. Đây là một trong những kế hoạch hành động của chiến dịch “Tôi học thật”.
Trước đó, cuối năm 2012, cũng tại TP.HCM, một nhóm SV đeo những chiếc vòng trắng, cùng nắm tay nhau cam kết thực hiện chiến dịch “Tôi học thật” và tuyên chiến với nạn đạo văn. Sự kiện tương tự sau đó cũng đã diễn ra tại Hà Nội.
Được biết, những hoạt động trên nằm trong dự án FACE (For a clean education - Vì một nền giáo dục sạch). Đây là sáng kiến của nhóm VID (tỉnh Bến Tre), Trường ĐH Hoa Sen, Tổ chức Hướng tới minh bạch tại Việt Nam cùng phối hợp thực hiện.
Hành động của các bạn trẻ rất dũng cảm. Họ dám đi ngược lại trào lưu chung của xã hội với nhiều người có thói quen chấp nhận chuyện đạo văn và cho rằng không có gì cần phải thay đổi Lê Thị Thu Hằng |
Bùi Tuấn Anh, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, giải thích: “Tôi học thật kêu gọi mọi người cùng hành động chống lại nạn đạo văn tràn lan. Bên cạnh đó, nó còn cung cấp kiến thức để nhận biết đạo văn trong học thuật lẫn trong cuộc sống đồng thời khuyến khích sự sáng tạo, tư duy”.
Phụ trách dự án FACE - tiến sĩ Phạm Quốc Lộc, Trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa học thuộc Trường ĐH Hoa Sen, thẳng thắn nhận xét: “Thời gian đi du học, tôi thấy người ta xem việc đạo văn rất đáng sợ và nó luôn bị lên án kịch liệt. Trong khi đó ở Việt Nam, tình trạng đạo văn vô cùng phổ biến ở tất cả các bậc học, việc sao chép không dẫn nguồn trên internet là hết sức phổ biến. Bản thân tôi rất bức xúc khi nghe các SV nói về đạo văn một cách bình thường. Rõ ràng, cái không bình thường đã trở thành cái bình thường trong xã hội chúng ta”.
Tiến sĩ Lộc cho rằng tuy chưa biết hiệu ứng của chiến dịch “Tôi học thật” như thế nào, song có một điều chắc chắn là ông và những người cùng chí hướng sẽ không thể tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước nạn đạo văn.
Muộn còn hơn không
Khá nhiều thành viên tham gia chiến dịch “Tôi học thật” thẳng thắn thừa nhận thời phổ thông từng quay cóp, ít nhất là một lần. Tuy nhiên, nói như Nguyễn Minh Thảo Nguyên, SV Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM, điều quan trọng là biết thay đổi nhận thức, từ đó dẫn đến việc thay đổi hành vi, thói quen xấu của bản thân và tác động đến người xung quanh.
Thảo Nguyên này nhìn nhận: “Không nên sao chép, lấy ý tưởng của người khác. Dù họ biết hay không biết thì mình vẫn thấy cắn rứt lương tâm, xấu hổ”.
Theo Đồng Ngọc Tố Uyên, SV Trường ĐH Mở TP.HCM, thói quen đạo văn, quay cóp làm giảm sút niềm tin vào chính bản thân mình và xã hội. Khi mình dối trá, mình đối xử với người khác như thế nào thì người khác sẽ đối xử mình như vậy.
Còn Vũ Xuân Quang, SV Trường ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam tại Hà Nội, cho biết nhà trường có nhiều cách ngăn chặn SV copy tài liệu và khuyến khích việc tự thân vận động, sáng tạo làm những bài luận của mình.
Quang bộc bạch: “Đôi lúc mình cũng muốn làm điều gì đó dễ hơn, muốn vượt qua sự kiểm soát của nhà trường. Tuy nhiên, sau mỗi sản phẩm do chính mình tạo ra, mình thấy hạnh phúc bởi đó là thực lực của bản thân”.
Đối với Bùi Tuấn Anh, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, một trong những hậu quả của thói quen quay cóp là làm giảm giá trị việc học và niềm tin vào giáo dục. Bởi bằng cấp đa phần chỉ mang tính tượng trưng chứ không phản ánh năng lực của học sinh, SV.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Điều phối viên quốc gia dự án thanh niên, thuộc Tổ chức Hướng đến minh bạch, nhận xét: “Hành động của các bạn trẻ rất dũng cảm. Họ dám đi ngược lại trào lưu chung của xã hội với nhiều người có thói quen chấp nhận chuyện đạo văn và cho rằng không có gì cần phải thay đổi. Những bạn trẻ ấy cũng dám vượt qua điều khó khăn nhất - vượt qua chính mình, đứng lên thấy những sai trái và muốn thay đổi chúng”.
Bà Thu Hằng cho rằng chưa thể khẳng định chiến dịch này thành công hay không. Tuy vậy, nếu ngày càng có nhiều bạn trẻ dám tạo ra những thay đổi thì sẽ tạo hiệu ứng và lan tỏa tốt.
Nguyên nhân quay cóp Nhiều thành viên tham gia chiến dịch “Tôi học thật” mổ xẻ nguyên nhân của tình trạng quay cóp, thiếu trung thực trong thi cử. Theo Vũ Xuân Quang, SV Trường ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam tại Hà Nội, đó là do giáo viên làm ngơ trước những việc làm sai của học sinh, SV. Phía người học thấy mình làm sai nhưng không bị phạt, nên từ đó định hình thói quen xấu này. Còn Tân Bảo Trân, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng một phần là do chương trình học có những môn phải học thuộc lòng và giáo viên lên bảng ghi câu hỏi rồi yêu cầu chép trả bài. Bảo Trân bày tỏ: “Học kiểu thuộc lòng và chép lại là chuyện phổ biến nhất từ thời phổ thông cho đến ĐH. Bản thân tôi thấy chán với những bài như vậy. Còn những bài nào tạo hướng mở, khuyến khích tư duy sáng tạo thì tôi thấy hào hứng, hết lòng với nó”. |
Theo Nguyễn Thư
Thanh Niên