Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, hai bên trao đổi về các chủ trương, biện pháp nhằm tiếp tục đưa quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào phát triển đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất; đồng thời, trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, khi hai Đảng, hai nước đang nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội của mỗi Đảng đặt ra, việc bảo vệ, giữ gìn và phát triển mối quan hệ đoàn kết, có ý nghĩa sống còn này là trách nhiệm chung của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ trước lịch sử của hai dân tộc, bảo đảm sự phát triển bền vững và tương lai của hai nước, góp phần tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ với nhau và với các nước, các tổ chức quốc tế có liên quan để quản lý, sử dụng bền vững và có hiệu quả nguồn nước sông Mekong trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân các nước trong lưu vực sông Mekong; tăng cường phối hợp với Campuchia thực hiện có kết quả các nội dung thỏa thuận giữa ba Thủ tướng của ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam về Tam giác phát triển.
Hai bên tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn ở biển Đông; nhất trí thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển; cùng các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông, góp phần giữ gìn hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới…