Tuy hai mà một

TP - Cách đây gần 4 năm, VPF ra đời với mục tiêu trao lại quyền điều hành và tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cho chính những thành viên của nó, tức là các CLB tham dự những giải đấu này.  

Ban đầu VPF nhận được rất nhiều kỳ vọng của dư luận, một phần là bởi nhiều người đã quá thất vọng với cung cách điều hành của VFF từ nhiều năm qua.

Tuy nhiên, cùng với thời gian, chất doanh nghiệp ở VPF ngày càng phai nhạt, dù trên danh nghĩa VPF vẫn hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần, song trong thực tế thì VPF chẳng khác nào một phiên bản của VFF, từ nhân sự cho tới cung cách hoạt động.

Tất cả những vấn đề tồn tại của bóng đá Việt Nam từ thời VFF vẫn tiếp tục xuất hiện trong 4 năm VPF nắm quyền điều hành giải, như vấn nạn bạo lực sân cỏ, tình trạng khán đài vắng bóng khán giả và một số trận đấu bị nghi ngờ dàn xếp tỷ số…

Thực ra không ai ngạc nhiên về sự biến tướng này của VPF, bởi ngay khi người có công lớn nhất sáng lập ra VPF là bầu Kiên bị bắt giữ vì vi phạm pháp luật, người ta đã mường tượng được tương lai nào đang chờ đón VPF, bởi VPF mà không có bầu Kiên thì chẳng khác nào “rắn mất đầu” và gần như không có tính đối kháng hay phản biện cùng VFF.

Và sự thực đã diễn ra đúng như vậy, khi mà VPF bây giờ đã quá khác so với VPF ở thời kỳ mới được thành lập, đến mức mà người ta gần như không cảm nhận được sự khác biệt giữa VPF và VFF.

Tất nhiên, khi VPF không còn là chính mình thì họ cũng không nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ như giai đoạn cuối năm 2011 đầu năm 2012, và việc sân cỏ Việt Nam ngày càng xuất hiện thêm nhiều vấn đề mang tính tiêu cực có lẽ chính là hậu quả của sự dịch chuyển không như mong đợi kể trên. 

MỚI - NÓNG