Tướng Thước hy vọng độ chuẩn xác lá phiếu tín nhiệm

Tướng Thước hy vọng độ chuẩn xác lá phiếu tín nhiệm
TPO - Trao đổi với Tiền Phong, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước hy vọng vào độ chính xác của các lá phiếu tín nhiệm của Quốc hội đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

> Hôm nay Quốc hội công khai kết quả phiếu tín nhiệm
> Công bố Ban kiểm phiếu, 10 loại phiếu lấy tín nhiệm
> Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt
> Bên lề cuộc lấy phiếu tín nhiệm

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X.

Quốc hội (QH) sẽ công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm, trung tướng có dự cảm gì về kết quả này?

Kết quả cụ thể của việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được Quốc hội công khai nên tôi không có dự đoán và bình luận gì. Kết quả này không chỉ tôi, nguyên là đại biểu Quốc hội, mà tất cả người dân đều kỳ vọng về độ chính xác của những lá phiếu, kỳ vọng vào quyền giám sát của Quốc hội.

Kết quả được công bố sẽ phản ánh chất lượng đại biểu và chất lượng của Quốc hội. Vì trên thực tế, các chức danh chủ chốt có năng lực thực tế ra sao, người dân đều đã nắm được.

Độ chính xác của việc lấy phiếu tín nhiệm lần này, tôi mong rằng, sẽ đạt từ 70 đến 80%. Sai số còn lại, do đây là lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm, có thể còn đại biểu chưa đủ thông tin, cũng có thể vẫn còn tâm lý nể nang khi bỏ phiếu. Hơn nữa, qua theo dõi các phiên họp QH, tôi thấy vẫn còn đại biểu chưa đạt yêu cầu, chưa đạt sự kỳ vọng của người dân.

Tuy nhiên, với tỷ lệ chính xác như trên, cũng có thể coi là “đầu xuôi, đuôi lọt”, và Quốc hội sẽ nâng dần chất lượng ở những lần lấy phiếu sau này.

Trong 47 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, ông quan tâm tới chức danh nào nhất?

Đối với 47 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, tôi quan tâm nhiều hơn cả đối với các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng... Trong các chức danh này, tôi đặc biệt quan tâm tới vai trò của Thủ tướng Chính phủ, bởi Thủ tướng là “nhạc trưởng”, điều hành bộ máy của Chính phủ.

Với thực trạng xã hội hiện nay, tôi thấy các ngành Giáo dục, Y tế, Ngân hàng và Công thương còn bất cập. Giáo dục càng cải cách, càng không tìm thấy lối ra, việc điều hành Ngân hàng đang có nguy cơ rối loạn, vấn đề Y đức đang trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Và Công thương nghiệp chưa phát triển xứng tầm với nhu cầu thực tế.

Ngoài việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Quốc hội cần thực hiện những cải cách nào để thực hiện quyền giám sát của mình?

Trong những nhiệm kỳ gần đây, Quốc hội đã có nhiều biến chuyển tích cực, trong đó việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là ví dụ điển hình. Tuy nhiên, tôi cho rằng, hoạt động của QH hiện tại vẫn chưa xứng với tầm mức là một cơ quan lập pháp, có chức năng giám sát cao nhất.

Để đạt được điều đó, trong thời gian sắp tới, tôi nghĩ cần phải nâng tầm các đại biểu QH, để hoạt động của đại biểu QH xứng đáng với kỳ vọng của người dân.

Thứ hai, đối với các chức danh chủ chốt của Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ trong thời gian sắp tới, người dân phải có quyền được đề cử và được bầu.

Như vậy, chúng ta sẽ không bỏ lọt những người có đủ đức, đủ tài và cũng có thể gạt bỏ những người không đủ phẩm chất đạo đức, năng lực ra khỏi bộ máy.

Cám ơn trung tướng.

N.C.KHANH ghi

Theo Viết
MỚI - NÓNG