> Ai Cập: Tổng thống bị phế truất, Hiến pháp bị đình chỉ
> Tổng thống Ai Cập quyết không từ chức
Tướng Sisi được kỳ vọng sẽ lập lại trật tự xã hội. |
Tuy cuộc bầu cử Tổng thống phải đến đầu năm 2014 mới diễn ra nhưng ngay từ bây giờ các phương tiện truyền thông đại chúng Ai Cập đã nói tới tướng Sisi như một lãnh tụ dân tộc có khả năng dùng bàn tay sắt vãn hồi trật tự.
Tại nhiều thành phố lớn, kể cả tại Alexandria- thành phố được mệnh danh là “thủ đô phương bắc” của Ai Cập - đã xuất hiện những biểu ngữ có in hình Tướng Sisi bên cạnh hình cố Tổng thống Nasser - vị Tổng thống được lòng dân nhất trong lịch sử Ai Cập.
Có thể thấy cả một số biểu ngữ in hình Tướng Sisi bên cạnh hình Tổng thống Nga Putin trong bộ trang phục Hải quân. Có vẻ như Tướng Sisi dự định tranh cử bằng cách tận dụng tâm trạng chống Mỹ đang tăng lên ở Ai Cập.
Theo nhận định của các nhà phân tích, Tướng Sisi quả thật có thể trở thành biểu tượng chống Mỹ của Ai Cập. Chính ông đã đề xuất ý tưởng phế truất cựu Tổng thống Morsi, nhân vật bị nhiều người coi là bù nhìn của Washington.
Giờ đây, trong bối cảnh tình hình Syria ngày càng trở nên căng thẳng, ông đã giữ một lập trường khá gay gắt đối với Mỹ. Chẳng hạn, ông tuyên bố nếu xảy ra cuộc tấn công quân sự vào Syria, ông sẽ đóng cửa kênh đào Suez đối với các chiến hạm Mỹ cũng như đối với những tàu vận tải nào của NATO tiến về phía Syria.
Có vẻ như ban lãnh đạo quân sự tối cao và Tướng Sisi đã quyết định gánh lấy mọi trách nhiệm đưa Ai Cập thoát khỏi khủng hoảng. |
Hơn thế nữa, việc ông dùng vũ lực phế truất cựu Tổng thống Morsi chắc chắn sẽ còn tác động tiêu cực đến mối quan hệ với phương Tây một thời gian dài. Chẳng thế mà cố vấn về an ninh quốc gia của Mỹ đã đề nghị Tổng thống Barack Obama ngừng khoản viện trợ tài chính trị giá 1,5 tỷ USD hằng năm cho Ai Cập.
Tuy nhiên, đông đảo người dân Ai Cập lại ủng hộ ông. Họ không quan tâm đến việc ông đã dùng cách nào để trở thành nhân vật số 1 ở Ai Cập. Họ sẵn sàng ủng hộ ông bởi vì họ cho rằng ông đã đáp ứng được yêu cầu của xã hội Ai Cập.
Ít ai ngờ rằng, trước khi cựu Tổng thống Morsi bị phế truất, theo những số liệu khác nhau, đã có từ 17 đến 23 triệu người ký tên đòi tướng Sisi phải từ chức, cho dù việc phế truất cựu Tổng thống Morsi đã được sự đồng ý của Toà án Hiến pháp cùng nhiều quan chức tôn giáo cao cấp.
Người dân Ai Cập ủng hộ Tướng Sisi. |
Trong hoàn cảnh kinh tế và xã hội hết sức phức tạp hiện nay ở Ai Cập, một số người cho rằng giới quân sự nên ẩn mình trong bóng tối và đưa một chính khách trung thành với họ lên làm Tổng thống. Nhưng có vẻ như ban lãnh đạo quân sự tối cao và Tướng Sisi đã quyết định gánh lấy mọi trách nhiệm đưa Ai Cập thoát khỏi khủng hoảng.
Giới tướng lĩnh Ai Cập đã học được một bài học cay đắng qua trường hợp của ông Morsi. Rất có thể bài học đó đã giúp Tướng Sisi hiểu rằng, ông cần trở thành người cầm lái con thuyền quốc gia qua bầu cử. Ông quyết định không chỉ học tập tấm gương của Tổng thống Nga mà còn học tập tấm gương của những Tổng thống được lòng dân nhất trong lịch sử đất nước, trước hết là tấm gương của Tổng thống Nasser.
Theo ý kiến của các nhà phân tích, khủng hoảng ở Ai Cập là hiện tượng thường xuyên. Dưới thời Tổng thống Nasser, Ai Cập đã phần nào khắc phục được khủng hoảng nhờ chính sách xã hội của vị Tổng thống này. Bởi vậy, việc in hình Tướng Sisi bên cạnh hình Tổng thống Nasser trên các tấm biểu ngữ xuất hiện tại các thành phố Ai Cập hiển nhiên mang hàm ý ông sẽ kế tục chính sách của Nasser.
Nhưng trước hết Tướng Sisi phải vượt qua được những khó khăn về tài chính mà Ai Cập đang phải đương đầu để rồi tìm cách phát triển nền kinh tế đất nước. Về chuyện này ông có thể phần nào yên tâm. Các quốc gia giàu có như A Rập Xê-út, Qatar và Các Tiểu Vương quốc A Rập thống nhất đã cam kết hỗ trợ ông bằng những khoản viện trợ nhiều tỷ USD.
NGỌC THOA
Theo Izvestia.ru